Theo ThS.BS Trần Tiến Tùng, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cúc tần là loài cây có nguồn gốc từ Malaysia và Ấn Độ, hiện nay mọc nhiều ở các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình… thường thấy ở ven đồi hoặc các khu đất hoang.
Cúc tần là cây thân thảo, mọc thẳng, cao khoảng 1-2 m, thân và lá phủ một lớp lông tơ mịn. Lá có hình bầu dục, đầu nhọn, mép răng cưa, cuống ngắn hoặc không cuống. Hoa mọc thành chùm màu tím, trong khi quả có hình trụ, nhỏ và có mười cạnh. Loài cây này có mùi hương thoang thoảng đặc trưng nhờ chứa tinh dầu.
Không chỉ là cây mọc dại quen thuộc, cúc tần còn được sử dụng làm dược liệu với nhiều công dụng chữa bệnh trong dân gian. Các bộ phận như thân, lá và rễ đều có thể khai thác để dùng tươi hoặc phơi khô, trong đó mùa hè là thời điểm thu hoạch tốt nhất.

Cúc tần là cây thân thảo, mọc thẳng, cao khoảng 1-2 m. (Ảnh minh hoạ)
Về mặt hóa học, cây cúc tần chứa tinh dầu cùng các dưỡng chất như sắt, canxi, vitamin C, caroten, protein, lipid và xenluloza. Đông y xếp cúc tần vào nhóm thảo dược có vị đắng, tính mát, tác động vào kinh phế và thận. Cây thường được dùng để giải cảm, hạ sốt, giảm đau nhức xương khớp, tiêu viêm, lợi tiểu, cầm máu, tiêu đờm và sát trùng.
Y học hiện đại cũng ghi nhận những hoạt chất trong lá cúc tần có khả năng kháng khuẩn, tiêu diệt một số loại nấm và vi khuẩn thường gặp như Candida albicans, Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Microsporum gypseum… Các thành phần như camphor, borneol, limonen, cineol trong tinh dầu được cho là mang lại hiệu quả sát khuẩn khi pha loãng trong polyethylene glycol. Ngoài ra, rễ cúc tần chứa chất có khả năng ức chế tác nhân gây viêm khớp. Hai hợp chất β-sitosterol và stigmasterol còn được nghiên cứu với tiềm năng hỗ trợ điều trị tiểu đường và trung hòa nọc độc rắn.
Trong dân gian, cúc tần được kết hợp cùng nhiều loại dược liệu khác để tạo thành bài thuốc trị cảm sốt, đau lưng, viêm phế quản, hen suyễn, thậm chí hỗ trợ điều trị bệnh trĩ hay gai cột sống. Người bị cảm thường dùng cúc tần kết hợp với lá sả và lá chanh để sắc lấy nước uống và xông hơi. Bài thuốc đơn giản này giúp giải cảm, hạ nhiệt và giảm nhức đầu.
Với người bị đau lưng hay thấp khớp, thân cây cúc tần được giã nhuyễn, sao vàng rồi đắp vào vùng đau, hoặc kết hợp cùng rễ các loại cây như trinh nữ, bưởi bung, đinh lăng để sắc uống.
Với bệnh viêm phế quản, một món cháo gồm cúc tần, gừng, thịt nạc và gạo được cho là có tác dụng giảm ho và làm dịu cổ họng. Trong trường hợp hen suyễn, nước cốt từ cúc tần non và rau muống non được dân gian sử dụng như một phương thuốc hỗ trợ, uống liên tục trong một tháng.
Một số bài thuốc khác cũng được lưu truyền, như giã lá cúc tần tươi đắp lên vùng bầm tím để giảm sưng đau, xông hơi với cúc tần và các loại lá như lá lốt, sung, ngải cứu để hỗ trợ điều trị bệnh trĩ.
Ngoài ra, bài thuốc nấu từ cúc tần, đu đủ, hoa cúc trắng và óc lợn cũng được xem là món ăn giúp giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng. Người bị bí tiểu hay rối loạn tiêu hóa cũng có thể dùng nước sắc hoặc ăn lá cúc tần sống để cải thiện triệu chứng.
Dù được đánh giá là thảo dược lành tính, hiệu quả điều trị từ cúc tần vẫn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm dân gian, chưa có đầy đủ bằng chứng khoa học chứng minh. Do đó, người bệnh nên thận trọng và tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng, đặc biệt trong các trường hợp có bệnh lý nền hoặc đang điều trị bằng thuốc Tây.