Thời gian gần đây, trong các sự kiện mà mình tham dự, không ít lần ông Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc Quỹ CyberAgent khu vực Việt Nam và Thái Lan đồng thời là một Shark của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa ba, tỏ ra lo lắng cho các startup Việt Nam khi thấy họ nhận được nhiều lời đề nghị ‘không thể chối từ’ từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Bởi, nếu các startup non trẻ không tỉnh táo, họ có thể sẽ phải hối hận trong tương lai.
Chọn nhà đầu tư cũng giống như chọn chồng
"Trong thời gian gần đây, có nhiều nhà đầu tư quốc tế đã đến thị trường Việt Nam ‘săn mồi’, khiến mức giá đưa ra cho các startup khi họ gọi vốn cao hơn mức bình thường", Shark Dzung Nguyễn nhận định.
Như nhiều lần đã đề cập trước đây, vị Shark này thường có kiểu định giá startup không giống ai - định giá qua ‘giấc mơ’ của các founder; tuy nhiên, kể cả thế, thì mức giá ông đưa ra vẫn không ‘hào phóng’ bằng các tân binh.
Ông kể, gần đây, trong khi ông và ekip đang bàn bạc xem nên tiếp tục theo đuổi hay bỏ deal với một doanh nghiệp, thì ông được biết, có một quỹ nước ngoài và một công ty trong nước cũng tham gia với mức giá đề nghị cao hơn của ông 1,5 lần.
"Những vấn đề đấy xoay quanh câu chuyện cung và cầu. Có bao nhiêu nhà đầu tư sẵn sàng mua startup của bạn? Và nếu có nhiều nhà đầu tư nhảy vào cuộc chơi, chúng ta sẽ bán được giá cao hơn.
Theo tôi, chuyện chọn nhà đầu tư cũng giống như chọn chồng. Trước khi chọn anh nào đó trong những anh đang theo đuổi, bạn phải tự hỏi xem, người đó có thể đi với bạn cả đoạn đường dài hay không. Cưới chồng là chọn chàng trai tiềm năng cho những năm tiếp theo chứ không phải vì những gì anh đang có. Tất nhiên, những gì các anh đang có chính là căn cứ để định giá sức hút của mỗi người.
Cũng như thế, các startup sẽ phải tự hỏi mình, ngoài tiền thì nhà đầu tư còn có thể mang lại cho mình những giá trị cộng thêm nào? Sau khi tiêu hết tiền thì sẽ ra sao? Đó là những điều các bạn cần lưu ý hơn là việc mình đang được định giá bao nhiêu", Shark Dzung Nguyễn nhắc nhở.
Có nhiều startup chết không phải vì không gọi được vốn ban đầu mà vì không gọi được vốn cho những vòng tiếp theo và tiếp theo nữa. Shark Dzung Nguyễn kể: trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế những năm 2006 đến 2008, nhiều công ty đã chết như thế. Tất nhiên thuyền lên thì nước lên, nhưng khi gặp tình huống bất lợi, bạn sẽ sống sót nếu có người tiếp tục đồng hành và hỗ trợ, nếu không sẽ ngược lại.
Bây giờ, nếu một startup được định giá 100 triệu USD, rồi vài năm nữa nó trở thành con số 0 do không được hỗ trợ - đồng hành một cách đúng đắn, thì cũng vô nghĩa. Hoặc bây giờ, nó chỉ được định giá 10 triệu USD, rồi vài năm nữa có giá 100 triệu USD đồng thời có thể bán được, lúc đấy mới ý nghĩa.
Thế mạnh của CyberAgent không phải nguồn tiền dồi dào mà nằm ở "tấm lòng"
Ngoài ra, khi nhìn vào phong cách đầu tư của quỹ CyberAgent cũng như Shark Dzung Nguyễn, nếu các startup Việt chỉ nhìn vào mỗi mức giá mà các nhà đầu tư trả cho mình, thì họ sẽ gặp bất lợi.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động đầu tư mạo hiểm tại thị trường Việt Nam cách đây hơn 10 năm, Shark Dzung Nguyễn luôn có kiểu đầu tư nhất quán như thế này: ông ít khi đầu tư với số tiền lớn mà chỉ đầu tư từng gói nhỏ để lấy một ít cổ phần, sau đó luôn cố gắng hỗ trợ - đồng hành với startup cho tới lúc thoái vốn.
Phong cách nói trên thể hiện rõ nét qua cách mà ông đầu tư ở chương trình Shark Tank mùa 2. Tổng số tiền mà Shark Dzung Nguyễn đầu tư cho các thí sinh ít nhất trong các ‘cá mập’ chính: chi 22,035 tỷ đồng trong khi người đứng đầu là Shark Việt bỏ ra hơn gấp đôi 47,150 tỷ đồng. Các Shark thường đổi cổ phần với các startup tỉ lệ rất cao – hầu hết trên 30%, trừ Shark Dzung Nguyễn - đề nghị của ông thường dưới 30%.
Ví dụ: trong thương vụ PEMA, Shark Thủy đổi 3 tỷ lấy 80% trên chương trình và 10 tỷ cho 80% ngoài thực tế hay 5 tỷ cho 45% của Talks Cafe 100% English; còn Shark Dzung Nguyễn đổi 2 tỷ cho 10% với startup JobsGo trên chương trình và 5 tỷ cho 20% ngoài thực tế hay 300.000 USD cho 15% của startup Viral Work.
"Cyber luôn khác, chúng tôi đầu tư vào một công ty khi thấy tiềm năng thị trường cũng như founder. Căn cứ vào giá trị của công ty ở thời điểm tôi đầu tư, nếu tôi có bỏ vào đó 1 triệu USD đến 2 triệu USD cũng chẳng có vấn đề gì cả, nhưng để làm gì?
Tôi thường sẵn sàng đầu tư khoảng 300 đến 500 ngàn USD, để lấy 20% đến 25% và đó là số tiền mà tôi định giá để công ty đó có thể chạy tốt cho đến vòng định giá tiếp theo mà tôi có thể hỗ trợ họ gọi vốn. Ở giai đoạn startup lớn hơn, nếu nhà đầu tư bỏ ra một hai hoặc ba triệu USD sẽ rất khác so với 200 đến 300 ngàn USD giai đoạn đầu.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đưa ra những KPI mà doanh nghiệp có thể đạt được với số tiền mà chúng tôi đầu tư, rồi vòng tiếp theo ai sẽ là nhà đầu tư cho công ty này và số vốn ở vòng tiếp theo sẽ tạo nên những giá trị gì", Shark Dzung Nguyễn giải thích cụ thể.
Theo ý của nhà đầu tư kỳ cựu này, trong giai đoạn đầu tiên, không nên đưa cho các startup một số tiền quá lớn, mà nên đưa cho họ một số tiền vừa phải và vạch ra cho họ những chiến lược hoạt động cụ thể sau này.
Trong giới startup Việt, Shark Dzung Nguyễn luôn được tiếng là nhà đầu tư không bao giờ chèn ép startup hay muốn ‘nuốt’ họ mà luôn hỗ trợ startup ở mức cho phép. Do đó, ông rất được lòng giới startup công nghệ hay đổi mới sáng tạo.