Tài chính

Nội bộ BRICS lục đục?: Một quốc gia chủ chốt tuyên bố không phi đô la hoá, vẫn sử dụng đồng USD để giao thương

Tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) 2024, trong một động thái có thể định hình lại động lực của hoạt động thương mại quốc tế, Ấn Độ đã chính thức bác bỏ đề xuất của Trung Quốc về việc thay thế đồng USD bằng đồng Nhân dân tệ trong trao đổi thương mại.

Quan điểm cứng rắn của Ấn Độ đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ giữa các thành viên BRICS. Động thái này không chỉ phản ánh mối lo ngại của Ấn Độ về kinh tế mà còn là đối với tham vọng quy mô toàn cầu của Trung Quốc.

Tại SCO 2024, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực túc đẩy xu hướng phi đô la hoá với việc khuyến khích sử dụng đồng nội tệ, đặc biệt là Nhân dân tệ, đối với các giao dịch thương mại quốc tế. Đây là bước đi được Nga ủng hộ. Tuy nhiên, Ấn Độ lại phản đối sáng kiến này, tuyên bố sẽ tiếp tục sử dụng USD làm đồng tiền tệ tham chiếu cho các sàn giao dịch thương mại của mình.

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã cử Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar đến tham dự hội nghị. Qua đó, ông đã thể hiện rõ sự không đồng tình với đề xuất của Trung Quốc.

Năm 2022, Ấn Độ đã sử dụng đồng Nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối và đồng Rúp để thanh toán cho các giao dịch dầu mỏ với Nga. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn muốn duy trì sử dụng đồng USD trong hoạt động giao thương trong tương lai. Quyết định này có thể xuất phát từ mối lo ngại về kế hoạch phi đô la hoá của Trung Quốc.

Trong khi đó, mua dầu từ Nga cần thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, song Ấn Độ lại lựa chọn cách giảm nhập khẩu dầu của Nga do một phần ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, và mua dầu của Mỹ, thanh toán bằng USD. Theo Reuters, các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước như Indian Oil, Bharat Petroleum và nhà máy lọc dầu tư nhân Reliance Industries đã mua 7 triệu thùng dầu từ Mỹ chỉ trong tháng 3/ 2024.

Lập trường của Ấn Độ trước sự thúc đẩy xu hướng phi đô la hoá của Trung Quốc và Nga có thể tác động đáng kể đến động lực kinh tế toàn cầu. Với việc tuyên bố không dùng Nhân dân tệ trong trao đổi thương mại, Ấn Độ đã gửi đi một thông điệp rõ ràng về việc duy trì vai trò thống trị của đồng USD.

Quyết định này cũng có thể ảnh hưởng đến các thành viên BRICS khác, tạo ra sự chia rẽ trong quan điểm của khối về định hướng chính sách tiền tệ trong tương lai.

Sự ủng hộ của Nga đối với các sáng kiến phi đô la hoá của Trung Quốc cho thấy tham vọng của cả 2 quốc gia này trong việc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Tuy nhiên, quan điểm đi ngược lại của Ấn Độ có thể cản trở nỗ lực đó, gây khó khăn cho việc thực hiện quá trình tìm đồng tiền tệ thay thế.

Tác động từ lập trường của Ấn Độ đã ngay lập tức được thể hiện trong các giao dịch dầu mỏ, khi quốc gia này đã bắt đầu đa dạng hoá nguồn cung bằng cách chuyển hướng sang Mỹ, thanh toán bằng USD thay vì Nhân dân tệ hoặc Rúp. Bước đi này không chỉ tiếp tục củng cố vị thế của đồng USD trong ngắn hạn, mà còn cho thấy Ấn Độ thận trọng trước tầm ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc.

Song, nhìn chung những tác động dài hạn từ việc Ấn Độ thể hiện quan điểm trái ngược với BRICS vẫn chưa chắc chắn. Nếu các quốc gia thành viên khác có lập trường tương tự, vị thế thống trị của đồng USD sẽ được củng cố. Ngược lại, nếu Trung Quốc và Nga có thể thuyết phục nhiều quốc gia khác quyết tâm phi đô la hoá, thì đồng USD sẽ gặp rủi ro.

Không chỉ về vấn đề sử dụng tiền tệ, Ấn Độ cũng có quan điểm cứng rắn về việc kết nạp thêm thành viên mới vào BRICS. Ấn Độ cho biết khối nên đợi 5 năm trước khi bổ sung thêm nhiều quốc gia khác, vì cho rằng BRICS cần thời gian để có sự hoà hợp với các thành viên mới.

Tham khảo Cryptopolitan

Cùng chuyên mục

Đọc thêm