Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái. Với dư nợ tín dụng đến cuối năm 2023 ở mức 13,569 triệu tỷ đồng, lượng tín dụng đã được bơm thêm vào nền kinh tế trong nửa đầu năm là hơn 810.000 tỷ đồng.
Trước đó, tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 5/2024 mới đạt 2,41% và đạt 3,79% tính đến ngày 14/6. Như vậy, chỉ riêng tháng 6, nền kinh tế tiếp nhận thêm khoảng 487.000 tỷ đồng, cao hơn so với tổng mức tín dụng tăng được trong 5 tháng đầu năm. Riêng hai tuần cuối tháng 6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mở rộng thêm gần 300.000 tỷ đồng.
Việc tín dụng bứt tốc trong những tuần cuối tháng 6 là điều đã được một số lãnh đạo ngân hàng lớn dự kiến từ trước.
Chia sẻ về vấn đề này tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 sáng 19/6, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết tính đến hết 17/6, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mới đạt 2,1%, tức tăng 29.000 tỷ đồng, thấp hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, ông Tùng dự kiến đến hết 30/6 tăng trưởng tín dụng đạt 4,3%, đến hết 30/9 là 8,2% và cả năm là 12%. Tức trong nửa cuối tháng 6, mức tăng trưởng đạt được gần ngang bằng trong hơn 5 tháng trước đó.
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng thông tin đến hết 31/5, dư nợ tín dụng đạt 1,57 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 1,24% so với cuối năm trước. Tuy nhiên, dự kiến đến hết 30/6 mức tăng trưởng có thể đạt 2,5%, tức mức tăng trong tháng 6 bằng tổng mức tăng trong 5 tháng trước đó.
Ở nhóm cổ phần, Tổng Giám đốc MB cho biết tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6 có thể đạt 6 - 6,5%, từ mức 4,5% ghi nhận vào giữa tháng 6. Lãnh đạo VIB cũng dự báo mức tăng trưởng cuối quý II đạt khoảng 2% từ mức 1,14% đạt được vào cuối tháng 5.
Trước đó, tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu hồi phục sau khi nhận mức âm trong 2 tháng đầu năm. Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các TCTD đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, khác với những năm trước, ngay từ đầu năm nay, NHNN đã giao hết hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Do đó, ngân hàng nào không cho vay được thì điều chuyển hạn mức tín dụng sang ngân hàng khác.
"Sẽ mạnh tay với những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng thấp, nhất là trong bối cảnh ngay từ đầu năm NHNN đã giao hết hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại", ông Tú nói tại hội nghị.
Theo ông Tú, NHNN "sẽ điều chuyển chỉ tiêu của những ngân hàng tăng trưởng tín dụng không đạt để chủ động tạo điều kiện cho những ngân hàng có khả năng phát triển tín dụng trong thời gian tới".
Tăng trưởng tín dụng cả năm kỳ vọng đạt 12 - 14%
Tại báo cáo ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp thúc đẩy nhu cầu cho vay và nền kinh tế phục hồi. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm dự báo ở mức 12 - 13%.
VCBS cho rằng những động lực cho tăng trưởng tín dụng là hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm – có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và thị trường bất động sản hồi phục rõ nét hơn từ nửa cuối 2024, kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp BĐS, xây dựng, cho vay mua nhà.
Chứng khoán MB (MBS) cũng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 14% vào năm 2024 với mức tăng trưởng GDP dự kiến là 6,3%-6,5%. Trong đó, lĩnh vực tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô dự kiến sẽ có nhu cầu tín dụng cao hơn nhờ lãi suất cho vay thấp và doanh số bán lẻ phục hồi.