Chim bồ câu là một trong những con vật được sử dụng làm vũ khí trong chiến tranh - Ảnh: ISTOCK
Trang tin Interesting Engineering điểm lại một số cách kỳ lạ, điên rồ nhất mà con người nghĩ ra để biến động vật thành vũ khí trong chiến tranh.
Bom chim bồ câu dẫn đường
Trong Chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ đã cố gắng sử dụng chim bồ câu để dẫn đường cho bom. Cục Tiêu chuẩn Quốc gia Mỹ (NBS) đã sáng tạo ra quả bom thực chất là một tàu lượn nhỏ, có cánh và đuôi, với phần đầu đạn nổ ở trung tâm và "phần dẫn hướng" ở mũi tàu.
Hình ảnh chim bồ câu làm hoa tiêu dẫn đường cho bom - Ảnh: WIKIMEDIA COMMONS
Mục đích của dự án là huấn luyện chim bồ câu hoạt động như "hoa tiêu" cho thiết bị, sử dụng khả năng nhận thức của chúng để nhận ra mục tiêu.
Ủy ban Nghiên cứu Quốc phòng Mỹ xem ý tưởng sử dụng chim bồ câu trong các quả bom lượn là rất lập dị và không thực tế, nhưng vẫn đóng góp 25.000 USD cho nghiên cứu.
Heo lửa xua voi chiến
Voi chiến xuất hiện lần đầu trong các trận chiến của Ấn Độ vào năm 400 trước Công nguyên và nhanh chóng lan rộng khắp thế giới.
Để xua đuổi voi chiến, Cộng hòa La Mã đã tẩm những con heo trong dầu và đốt cháy, sau đó thả chúng theo hướng của những con voi. Bất chấp sự chỉ dẫn của người điều khiển, những con voi hoảng sợ và bỏ chạy trước bầy thú rực lửa.
Heo từng được Cộng hòa La Mã dùng để xua đuổi voi chiến - Ảnh: ISTOCK
Chó làm "đạn" chống tăng
Một trong những cách sử dụng chó kỳ lạ nhất trong chiến tranh là dùng để chống lại xe tăng.
Chó được cả Liên Xô và quân đội Đức huấn luyện để sử dụng trong chiến tranh từ năm 1930 đến năm 1946. Tuy nhiên từ năm 1941 đến năm 1943, Liên Xô huấn luyện chó để chiến đấu với xe tăng Đức: họ cho chó đeo bom có ngòi kích nổ.
Trường huấn luyện chó của Liên Xô - Ảnh: WIKIMEDIA COMMONS
Năm 1943, quân đội Mỹ bắt đầu huấn luyện chó chống tăng giống cách mà người Nga đã làm. Tuy nhiên, việc huấn luyện này bộc lộ nhiều vấn đề, chẳng hạn thay vì chạy đến xe tăng kẻ thù, chúng lại vô tình quay lại với chủ nhân, dẫn đến việc chương trình bị chấm dứt.
Bom dơi
Mỹ đã thử nghiệm phát triển bom dơi làm vũ khí trong Thế chiến thứ II. Thiết bị này gồm một hộp bìa cứng hình quả bom với hàng nghìn ngăn nhỏ, mỗi ngăn chứa một con dơi gắn chất cháy nổ hẹn giờ nhỏ.
Khi những trái bom được thả từ một máy bay (thường là vào lúc bình minh), một chiếc dù mở ra và những con dơi sẽ được thả. Chúng phân tán và trú ngụ trong mái hiên và gác xép trong phạm vi 32 km đến 64 km.
Sau đó, dơi sẽ được kích hoạt để đốt cháy hàng nghìn tòa nhà ở các thành phố của Nhật Bản - những tòa nhà này chủ yếu được làm bằng gỗ và giấy.
Dơi được dùng làm bom trong Thế chiến thứ II - Ảnh: ISTOCK
Tuy nhiên, cũng có một số tai nạn xảy ra. Trong một lần, những con dơi lọt ra ngoài đã vô tình đốt các tòa nhà và xe của một vị tướng tại Căn cứ Không quân Phụ trợ Sân bay Quân đội Carlsbad gần thành phố Carlsbad, bang New Mexico (Mỹ) vào ngày 15-5-1943.
"Bom" khỉ
Khỉ từng được sử dụng làm bom sống trong các cuộc xung đột thời Nam Tống (1127-1279) ở Trung Quốc cổ đại. Những con khỉ được mặc quần áo rơm, bôi dầu và đốt lửa trước khi được thả vào trại của kẻ thù.
Khỉ từng được dùng làm thiết bị gây cháy - Ảnh: ISTOCK
Một chiến thuật tương tự được Trung Quốc phát triển trong cuộc Chiến tranh nha phiến với người Anh nhưng không được đưa vào sử dụng.
Mèo gián điệp
Mèo được huấn luyện làm gián điệp bí mật - Ảnh: ISTOCK
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, CIA đã nghĩ ra một chiến lược bí mật khác thường, với dự án "Acoustic Kitty". Để thực hiện kế hoạch, họ đã phẫu thuật cấy các thiết bị nghe vào bên trong cơ thể mèo. CIA hy vọng con mèo được huấn luyện sẽ ngồi gần các quan chức nước ngoài và bí mật truyền tải các cuộc trò chuyện riêng tư của họ.
Trong cuộc thử nghiệm ban đầu tại một công viên ở thủ đô Washington, D.C., các đặc vụ đã giao nhiệm vụ cho "Acoustic Kitty": nghe cuộc trò chuyện giữa hai người đàn ông ngồi trên một chiếc ghế dài. Tuy nhiên thay vì ngoan ngoãn ngồi gần đối tượng, "Acoustic Kitty" lại lang thang sang một con đường lân cận và bị xe tông.
Cái chết sớm của con mèo cũng đã đặt dấu chấm hết cho chương trình.
Cá heo và sư tử biển
Kể từ những năm 1960, Hải quân Mỹ đã huấn luyện cá heo mũi chai và sư tử biển để đi tuần tra và theo dõi các mục tiêu dưới nước.
Có lẽ kỹ năng quân sự tốt nhất mà cá heo có là khả năng định vị bằng tiếng vang chính xác, cho phép nó tìm kiếm các mối đe dọa như mìn hàng hải hoặc "bom limpet" được gắn vào thân tàu chiến.
Cá heo có khả năng định vị tiếng vang khá chính xác - Ảnh: ISTOCK
Nếu cá heo phát hiện một đối tượng khả nghi, nó sẽ gắn máy phát âm thanh vào mìn và các đội phá dỡ của Hải quân sau đó có thể kiểm tra vật thể và dọn sạch nó.
Trong Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư và Chiến tranh Iraq, cá heo hải quân tỏ ra rất hữu ích trong việc giúp rà phá bom mìn ở cảng Umm Qasr, miền nam Iraq.