Băng trôi tách ra từ dải băng ở Greenland - Ảnh: CNN
Ngày 20-7, Đài CNN dẫn lời các nhà khoa học cho biết nhiệt độ tại Greenland trong những ngày qua vào khoảng 15,5 độ C, tăng hơn 5 độ so với lúc bình thường của thời điểm này trong năm, khiến băng và sông băng tan chảy và đổ hàng tỉ tấn nước ra đại dương.
Chỉ tính riêng ba ngày từ 15 đến 17-7, lượng băng tan chảy tại Greenland là 6 tỉ tấn/ngày, đủ để lấp đầy 7,2 triệu hồ bơi chuẩn Olympic, theo dữ liệu của Trung tâm dữ liệu băng và tuyết quốc gia Mỹ (NSIDC).
Nói cách khác, lượng băng tan nói trên đủ để bao phủ toàn bộ bang Tây Virginia, Mỹ trong độ sâu 30cm.
Nước tan chảy từ dải băng Greenland - Ảnh: CNN
"Sự tan băng ở phía bắc trong tuần qua không bình thường, nếu nhìn vào các mức trung bình khí hậu trong 30 đến 40 năm qua. Tuy nhiên quá trình tan băng đang diễn ra nhanh hơn và sự kiện này là sự gia tăng đột biến về lượng băng tan", ông Ted Scambos, nhà khoa học tại NSIDC thuộc ĐH Colorado, nhận định về sự kiện năm nay.
Mỗi mùa hè, các nhà khoa học lo sợ họ sẽ chứng kiến sự lặp lại của kỷ lục băng tan đã xảy ra năm 2019, khi Greenland mất 532 tỉ tấn băng và khiến mực nước biển toàn cầu tăng vĩnh viễn thêm 1,5mm.
Nếu tan chảy toàn bộ, lượng băng ở Greenland đủ để nâng mực nước biển toàn cầu lên 7,5m.
Băng biển ngoài khơi bờ biển tây bắc Greenland - Ảnh: CNN
Theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 2-2022, các nhà khoa học đã ghi nhận tốc độ tan băng "chưa từng có" ở đáy của dải băng Greenland. Một nghiên cứu khác cho thấy tốc độ tan băng trong những năm gần đây vượt quá những gì Greenland đã trải qua trong 12.000 năm qua, theo CNN.
Trước khi có biến đổi khí hậu do con người gây ra, Greenland chưa từng ghi nhận nhiệt độ gần mức 0 độ C. Tuy nhiên, kể từ những năm 1980, khu vực này đã ấm dần lên với tốc độ nhanh gấp 4 lần so với tốc độ trên toàn cầu.
Một con hải cẩu nằm trên băng ở Greenland - Ảnh: CNN
Các nhà khoa học vận động ngoài trời khi nhiệt độ Greenland ấm hơn bình thường - Ảnh: CNN