Doanh nghiệp

Newtecons của ông Nguyễn Bá Dương báo doanh thu tăng vọt khi cả ngành xây dựng đang lao đao

 Một dự án tại quận 1, TP HCM do Newtecons làm nhà thầu chính. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons, doanh nghiệp liên quan đến ông Nguyễn Bá Dương vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính 6 tháng đầu năm 2022 với doanh thu ghi nhận tăng 82% so với cùng kỳ. Chi tiết số liệu 6 tháng đầu năm nay và năm ngoái đều không được công bố do đây chưa phải là công ty đại chúng.

Công ty cho biết, ngoài giá trị hợp đồng ký kết chưa thực hiện (backlog) năm 2021, công ty liên tục trúng thầu các dự án lớn, quy mô.

Trước đó, trong năm ngoái, trong bối cảnh ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn chung từ thị trường như khan hiếm nguồn cung về nguyên vật liệu, thiết bị, nhân công, Newtecons cho biết công ty là một trong số doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng cao trong năm 2021 khi đạt 5.363 tỷ đồng.

Thông tin từ website, Newtecons trong năm 2021 đã tham gia làm tổng thầu/nhà thầu chính thi công các dự án lớn tại TP HCM như Grand Marina, Saigon (Tôn Đức Thắng, quận 1), One Central HCM (khu tứ giác Bến Thành, quận 1),... và trúng thầu nhiều dự án như Đại học Fulbright Việt Nam, dự án của các chủ đầu tư Nam Long, T&T,...

Ngoài ra, Newtecons hiện đang thi công các dự án 05 BW Hải Dương, Trung tâm Thương mại Đắk Mil, Trung tâm Kỹ thuật Viettel Hòa Lạc, Tecombank Saigon Tower,...

Dự án căn hộ Lumière Riverside của Masterise Homes đang được Newtecons thi công tại phường Thảo Điền, TP Thủ Đức. (Ảnh: H.N)

 

Doanh thu và doanh số trúng thầu của Newtecons liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt có sự thuận lợi khi dàn coteccons  nhiều năm làm việc dưới thời ông Nguyễn Bá Dương  từ Coteccons chuyển về.

Newtecons cho biết nhằm đáp ứng tốc độ phát triển nhanh về doanh thu và số lượng công trình hiện hữu, nhân sự của công ty đã tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái lên 959 người. 

Mục tiêu cho năm 2022, Newtecons kỳ vọng sẽ đạt 10.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 86,5% so với kết quả đạt được ở năm 2021.

 Ông Nguyễn Bá Dương (giữa) tại buổi tổng kết 6 tháng đầu năm.(Ảnh: Newtecons).

Ngành xây dựng trong giai đoạn khó khăn

Trong khi đó hiện nay các doanh nghiệp xây dựng phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình, sau hai năm chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch, ngành xây dựng lại gặp khó khăn khi các doanh nghiệp bất động sản bị kiểm soát nguồn vốn vay chặt chẽ hơn khiến việc thanh toán cho nhà thầu bị chậm trễ, nhiều dự án đầu tư bị trì hoãn.

Những khó khăn đó chưa qua đi thì cuộc chiến tranh Nga - Ucraina đã khiến đầu tư nước ngoài không tăng mạnh như kỳ vọng, giá cả leo thang chóng mặt. Khủng hoảng chồng chất khủng hoảng, khó khăn chồng chất khó khăn khiến rất nhiều nhà thầu quy mô lớn, trước đây làm ăn rất tốt nhưng thời gian vừa qua phải đối diện với nguy cơ bị phá sản nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Thông tin về ngành xây dựng Việt Nam nửa đầu năm 2022 từ ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam tại hội nghị ngành xây dựng mới đây cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, ngành xây dựng có sự tăng trưởng hết sức rõ rệt so với cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp như Hòa Bình (HBC), Vinaconex (VCG), Delta, Newtecons…. có mức tăng trưởng 300% - 500%. 

Tuy nhiên, so với kế hoạch đặt ra thì hầu hết các doanh nghiệp xây dựng lớn đều không đạt. 10 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất nói chung chỉ đạt 28% - 40% kế hoạch năm, tức chỉ đạt 60% - 80% kế hoạch 6 tháng, kể cả doanh thu lẫn sản lượng.

Ví dụ như Vinaconex, sản lượng thực hiện 6 tháng đầu năm là 5.000 tỷ đồng/14.000 tỷ đồng (tức đạt 36%), doanh thu thực hiện 6 tháng đầu năm là 3.600 tỷ đồng/11.300 tỷ đồng (tức đạt 31,8%).

Về hiệu quả hoạt động, ông Hiệp cho biết biên lợi nhuận của ngành khoảng 4%. Nhưng hiện nay do tình hình nợ đọng, giá vật liệu xây dựng tăng, không được bù giá, doanh nghiệp xây dựng càng làm càng lỗ. Nếu tình hình này tiếp diễn 5 năm nữa, chắc không còn doanh nghiệp xây dựng nào tồn tại. Ngoại trừ một số trường hợp như Newtecons.  

"Ví dụ như chỗ anh Dương, trước làm Coteccons, giờ làm Newtecons. Chủ trương của anh Dương là dứt khoát không nhận công trình đầu tư công, chỉ làm công trình mà chủ đầu tư thanh toán đúng hạn. Trong số doanh nghiệp xây dựng chúng tôi theo dõi, có mỗi ông này không bị nợ nần, có lãi, còn lại hầu hết vướng vào nợ nần, kể cả công ty lớn. Do vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng để cho chúng tôi có một lối thoát…”,  Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho hay.

 Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin của Newtecons.

Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, một tín hiệu tích cực đối với ngành xây dựng là giá thép xây dựng điều chỉnh giảm trong năm 2022, có thể giúp cải thiện biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thầu xây dựng. 

Cụ thể, sau thời gian neo cao ở vùng 18.000 – 19.000 đồng/kg, giá thép xây dựng đã hạ nhiệt về vùng 16.000 đồng/kg tương đương với cùng kỳ năm trước. Chứng khoán VNDirect kỳ vọng giá bán thép xây dựng sẽ giảm dần về mức trung bình trong dài hạn. Giá bán thép xây dựng trung bình năm 2022 - 2023 dự báo sẽ đạt lần lượt 16.100 - 14.500 đồng/kg (giảm 5% - 15% so với giá hiện tại).

Trong cơ cấu chi phí xây dựng, nguyên vật liệu chiếm đến 65-70% giá dự toán xây dựng công trình, trong đó thép và xi măng là hai vật liệu quan trọng nhất. Hiện diễn biến giá thép hạ nhiệt giúp các doanh nghiệp xây dựng hưởng lợi đáng kể. 

Tuy nhiên giá xi măng vẫn tăng lên vùng 1,65 – 1,7 triệu đồng/tấn do chi phí nguyên liệu đầu vào như than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia, vỏ bao, giá cước và nhân công đều tăng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm