Robot học đi trong nghiên cứu - Ảnh: Felix Ruppert
Đây là một trong những robot đầu tiên có khả năng tự học cách đi. Nghĩa là chúng không được lập trình hay thiết kế sẵn cơ chế di chuyển, mà phải tự luyện tập để thành thạo kỹ năng này.
Nhóm nghiên cứu từ Viện Max Planck về hệ thống thông minh (MPI-IS) ở Stuttgart (Đức) đã làm thí nghiệm trên một chú chó robot tên Morti.
Bề ngoài của Morti được thiết kế đơn giản. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đưa vào bộ xử lý robot một chương trình cho nó có thể tự học cách đi lại từ trạng thái "không biết gì".
Phần mềm tích hợp trên robot sẽ mô phỏng chức năng của tủy sống ở các loài động vật - vốn chịu trách nhiệm cho một số phản xạ như đi lại - và có thể giúp robot học từ những sai lầm.
Cơ chế này cũng giống như ở hầu hết trẻ em hay các loài động vật non nớt khác, thường phải vấp ngã rất nhiều lần trước khi có thể tự đứng lên và bước đi.
Ông Felix Ruppert - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết thật bất ngờ khi robot có thể học đi chỉ trong chưa đầy 1 tiếng.
Robot học bằng cách liên tục so sánh thông tin cảm biến, đồng thời điều chỉnh các mô hình điều khiển động cơ của mình.
Bộ điều khiển cũng sẽ liên tục nhận những dữ liệu chênh lệch giữa dự tính và thực tế. Qua từng bước đi, robot sẽ liên tục cải thiện để động tác đặt các chân xuống đất trở nên thuần thục.
Phần mềm tự học của Morti - Ảnh: Chụp màn hình
Kết quả đã được công bố trên tạp chí Nature Machine Intelligence.
Ông Alexander Badri-Spröwitz - đồng tác giả nghiên cứu - cho biết khoảng thời gian học chỉ trong 1 tiếng của robot là rất nhanh, thậm chí nhanh hơn nhiều so với nhiều loài, kể cả con người: ở con người, phải mất khoảng 12 tháng trẻ sơ sinh mới có thể biết đi.
Ông Badri-Spröwitz cho rằng nghiên cứu của nhóm không chỉ giúp hiểu hơn về cách học một kỹ năng mới của robot, mà còn là cơ sở đối chiếu với quá trình học hỏi tương tự ở các loài động vật có xương sống.