Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) cho thấy kết quả kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ do sản lượng và giá bán tăng.
Biên lãi gộp cao kỷ lục
Cụ thể, doanh thu thuần gần 4.226 tỷ đồng, tăng tương ứng 80%. Biên lãi gộp cải thiện từ 18,4% cùng kỳ lên 26%. Đây cũng quý có biên lãi gộp kỷ lục của doanh nghiệp kể từ khi lên sàn.
Bên cạnh đó, Vĩnh Hoàn còn ghi nhận thêm doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng 128% lên 107 tỷ, chủ yếu nhờ lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái. Trái lại, chi phí tài chính tăng gấp 3 lần do phải dự phòng giảm giá các khoản đầu tư.
Kết quả, Vĩnh Hoàn lãi sau thuế 788 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần 7.494 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.341 tỷ đồng, tăng tương ứng 81% và 241% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế tính đến cuối tháng 6 hơn 5.150 tỷ đồng.
Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 58% kế hoạch doanh thu và 84% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2022 sau 6 tháng.
Thành tích này đã được ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn dự đoán trước và chia sẻ trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022. Trong nửa đầu năm, công ty đã tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ để hưởng lợi từ sự thiếu hụt thủy sản, thể hiện qua doanh thu xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến 132% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 50% tổng doanh thu.
6 tháng qua, xuất khẩu cá tra cả nước đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 1/4 doanh số xuất khẩu thuỷ sản, số liệu từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Giá cá tra cũng đang neo ở mức cao, chẳng hạn giá cá tra thương phẩm được thương lái thu mua vào ngày 12/7 với giá 27.000 - 28.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ đó, các công ty xuất khẩu thủy sản đang được hưởng lợi nhờ sản lượng và giá bán tăng.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận nhu cầu tiêu thụ thủy sản đã có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 5/2022, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu đang ở mức cao.
Về triển vọng ngành trong những tháng tới, bên cạnh việc tồn kho tại các thị trường xuất khẩu đang ở mức cao, cùng với việc vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm, các công ty dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý III. Tuy nhiên, bất chấp áp lực lạm phát, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng nhanh trong tháng 9, ngay trước kỳ nghỉ lễ từ tháng 11 đến tháng 12.
Riêng Chứng khoán Rồng Việt nhận định xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sang thị trường Mỹ trong nửa cuối năm khó có thể quay trở lại mức đỉnh của quý II/2022. Động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trong những tháng tới đối với Vĩnh Hoàn có thể sẽ đến từ thị trường Trung Quốc nếu nước này dỡ bỏ lệnh đóng cửa.
Dù vậy, mức tăng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khó bù đắp cho mức giảm tại thị trường Mỹ do Mỹ là thị trường chính của Vĩnh Hoàn và giá bán tại Mỹ cao nhất trong tất cả các thị trường. Do đó, VDSC lo ngại rằng tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm của Vĩnh Hoàn có thể giảm tốc so với 6 tháng đầu năm.
Đầu tư loạt cổ phiếu KBC, NLG và DXS
Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn tăng khoảng 2.800 tỷ so với đầu năm lên 11.531 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn kho 2.900 tỷ đồng, tăng gần 1.110 tỷ so với đầu năm và tăng 500 tỷ sau một quý. Còn các khoản phải thu ngắn hạn 3.200 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi sau 6 tháng.
Đáng chú ý, Vĩnh Hoàn ghi nhận 1.659 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn (1.522 tỷ). Bên cạnh đó, doanh nghiệp sở hữu danh mục cổ phiếu gồm CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG), Đất Xanh Services (Mã: DXS) và Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC) với giá trị gốc gần 200 tỷ đồng và đã phải trích lập dự phòng gần 63 tỷ.
Ở phía nguồn vốn, công ty vay tổng cộng gần 2.700 tỷ đồng, không thay đổi quá nhiều sau một quý, phần lớn là nợ vay ngắn hạn từ các ngân hàng.
Vốn chủ sở hữu tại cuối kỳ là 7.389 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu là 1.833 tỷ.