Là trụ cột kinh tế của gia đình, Nguyễn Thế Anh - một nhân viên truyền thông, (25 tuổi, Hà Nội) hiện tại phải đối mặt với vấn đề tài chính. Điều này càng căng thẳng hơn khi năm mới đang cận kề. Trước Tết Nguyên đán một tháng, anh liên tục làm thêm giờ, nhận nhiều việc để có thêm tiền, lo cho bố, mẹ và em gái được đón Tết đầy đủ.
Thế Anh cho biết, có những ngày anh về nhà lúc rạng sáng, trong bộ dạng mệt mỏi, bước đi không vững, đầu óc quay cuồng vì cường độ làm việc quá cao. Tuy nhiên, áp lực kiếm tiền không cho phép chàng trai này dừng lại. Chưa lo được cho bản thân và gia đình trọn vẹn, anh cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện yêu đương hay lập gia đình.
"Mỗi người có thể có một quan điểm khác nhau, song xã hội bây giờ không thể phủ nhận tiền bạc là thước đo phổ biến nhất cho sự thành công. Cách duy nhất tôi có thể làm là nỗ lực", Thế Anh chia sẻ.
Thống kê từ cuộc phỏng vấn của nhóm nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội, có 25% số nam giới được hỏi gặp áp lực trong cuộc sống. Trong đó có hơn 80% bị áp lực kinh tế, gần 70% áp lực sự nghiệp, điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và tinh thần.
Báo cáo nghiên cứu "Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam hội nhập" do Viện này công bố cũng cho thấy, hình mẫu người đàn ông vẫn còn bị soi chiếu bởi những chuẩn mực nam tính truyền thống. Những chuẩn mực đó là: phải có sự nghiệp; tính cách mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm; phải có cơ thể khỏe mạnh, lấy vợ sinh con và trở thành trụ cột... Chính những khuôn mẫu về giới này đã tạo ra cho người đàn ông nhiều áp lực.
Dương Văn Nam (43 tuổi, Quảng Bình) không bị đè nặng bởi áp lực tài chính, nhưng vẫn rơi vào vòng tròn áp lực khác. Anh thừa hưởng trang trại của bố mẹ để lại, làm giáo viên ở một trường học, có cuộc sống khá sung túc. Thân hình thấp bé, mắc chứng tan máu bẩm sinh, sức khỏe yếu, hiện tại anh vẫn chưa thể lấy vợ, sinh con. Điều này khiến bố, mẹ Nam lo lắng, có phần thất vọng vì người con trai duy nhất chưa thể đáp ứng mong mỏi có con cháu dõi, chăm lo hương khói tổ tiên.
"Gia đình, bạn bè sốt ruột nên giới thiệu vài cô gái nhưng đều không thành. Phần vì tôi tự ti, không muốn làm khổ họ khi ốm đau, phần vì họ thấy tôi không đủ sức lo cho vợ con", Nam tâm sự. Bố mẹ, họ hàng thúc giục khiến anh cảm thấy có lỗi vì chưa thể làm tròn trách nhiệm, bổn phận của một "đích tôn".
Áp lực "trụ cột" khiến nhiều người đàn ông bị ám ảnh, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, đa số họ ngại chia sẻ áp lực với những người xung quanh vì xấu hổ. Khảo sát trực tuyến trên 1.000 độc giả VnExpress từ ngày 30/11 đến 7/12 về các chủ đề được nam giới quan tâm cho thấy nhiều người muốn được nghe chia sẻ quanh câu chuyện áp lực cuộc sống thời hiện đại, chiếm 27%. Chủ đề nhận được sự quan tâm tiếp theo là làm chủ sự kỳ vọng của bản thân và người xung quanh với 25%. Hai chủ đề này đều liên quan đến những gánh nặng người đàn ông hiện đại đang gặp phải, phản ánh thực trạng về việc áp lực nhiều nhưng không biết cách giải tỏa.
Để nam giới xác định rõ và vượt qua các vấn đề áp lực tâm lý, eBox tổ chức chuyên đề "SuccessMan - Từ áp lực tới thành công". Chương trình có sự tham gia của diễn giả Hiếu PC, Đinh Tiến Dũng (giáo sư Xoay), tiến sĩ Khuất Thu Hồng, PGS.TS Trần Thành Nam, với ba số phát sóng liên tiếp trong ba ngày 12-14/1/2023.
Chương trình bắt đầu mở bán vé từ 21/12/2022. Mức giá ưu đãi 199.000 đồng khách hàng mới và 149.000 đồng cho khách hàng cũ. Độc giả quan tâm có thể đăng ký tại đây.