Tài chính

Bức tranh tín dụng phân hoá của "giới buôn tiền": VPBank, Techcombank, HDBank hưởng lợi nhờ bất động sản, nhóm ngân hàng cho vay bán lẻ gặp khó

Bức tranh tín dụng phân hoá của "giới buôn tiền": VPBank, Techcombank, HDBank hưởng lợi nhờ bất động sản, nhóm ngân hàng cho vay bán lẻ gặp khó- Ảnh 1.

Báo cáo về ngành Ngân hàng của KB Securities chỉ ra, tín dụng toàn hệ thống trong quý I/2024 tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, bất chấp động thái các nhà băng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng cùng mặt bằng lãi suất đang ở vùng đáy như hiện nay.

Đồng quan điểm, trong báo cáo phân tích của Tien Phong Securities, quý I/2024 ghi nhận tăng trưởng tín dụng thấp đáng kể so với các năm gần đây.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, mức giảm tăng trưởng tín dụng có nguyên nhân chính đến từ diễn biến phức tạp của tỷ giá USD/VND, kỳ vọng lãi suất VND đang trên đà giảm cùng các khó khăn trong quá trình cấp tín dụng. 

Ngoài ra, mức cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn  thấp do nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoạt động. Đồng thời, mảng bất động sản chiếm khoảng hơn 20% tín dụng chung, do đó các ảnh hưởng từ ngành này có tác động lớn đến tăng trưởng tín dụng của hệ thống.

Nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm trong ba tháng đầu năm được KB lý giải do động thái "xử lý kỹ thuật" tín dụng cuối năm trước tạo nền so sánh cao cho năm nay. Đồng thời, do tổng thể nền kinh tế chậm, cộng với thời điểm "mùa đông tín dụng" thường diễn ra vào giai đoạn đầu năm đã tác động đến hoạt động cho vay của ngân hàng.

Bước sang quý II/2024, bức tranh tín dụng toàn ngành có sự chuyển biến tích cực hơn, theo phân tích của KB. Tính đến tháng 5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng thêm 2,15% so với cuối tháng 3/2024.

Bức tranh tín dụng phân hoá của "giới buôn tiền": VPBank, Techcombank, HDBank hưởng lợi nhờ bất động sản, nhóm ngân hàng cho vay bán lẻ gặp khó- Ảnh 2.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng không đồng đều giữa các lĩnh vực của nền kinh tế tạo ra sự phân hóa về tốc độ tăng trưởng giữa các ngân hàng.

"Theo số liệu cập nhật gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tăng thêm 20.000 tỷ trong 2 tháng đầu năm. Nhờ đó, cho vay lĩnh vực bất động sản (bao gồm cho vay phát triển dự án, vay mua nhà) dẫn dắt tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng như TCB, HDB, VPB. Nhờ đó, các nhà băng này có mức tăng trưởng tín dụng vượt trội so với trung bình ngành", báo cáo của KB viết.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng cho vay phân khúc bán lẻ, hộ kinh doanh - sản xuất như ACB, VIB, STB, tín dụng chững hơn do cầu tiêu dùng hồi phục chưa đáng kể.

Ở nhóm Ngân hàng quốc doanh, mức tăng trưởng tín dụng khiêm tốn hơn, thậm chí Vietcombank ghi nhận tăng trưởng âm do chiến lược giải ngân thận trọng.

Trong quý II/2024, cho vay mua nhà tại ngân hàng cũng phục hồi nhờ vào các yếu tố như: chính sách ưu đãi ngân hàng và chủ đầu tư; mặt bằng lãi suất thấp; các dự án mở lại trong quý 4/2023 và quý 1/2024 tăng thêm nguồn cung cho thị trường.

KB Securities dự báo, hoạt động vay mua nhà sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng tín dụng trong các quý tới khi mặt bằng lãi suất cho vay dự kiến sẽ duy trì mức hiện tại, các dự án mới mở bán gối đầu giúp hoạt động thị trường bất động sản sôi nổi hơn. Những ngân hàng có lợi thế cho vay mua nhà với chủ đầu tư uy tín, chất lượng các khoản vay tốt sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn.

Dựa vào các luận điểm, nhóm phân tích của công ty chứng khoán này duy trì kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ hoàn thành kế hoạch 15% nhờ ba yếu tố mặt bằng lãi suất hấp dẫn, động lực từ phân khúc cá nhân cùng nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ các vấn đề pháp lý.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm