Cụ thể, trong giải trình gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Bộ Công Thương cho biết, để đảm bảo cung ứng điện giai đoạn đến 2035, miền Bắc cần phát triển thêm khoảng 7.900 MW nguồn nhiệt điện LNG mới so với Quy hoạch điện VIII đã được duyệt.
Miền Trung và miền Nam dự kiến không phát triển thêm mà tiếp tục kế thừa các dự án đã được phê duyệt.
Bộ đã nghiên cứu kiến nghị của các địa phương, phân tích, đánh giá và đề xuất đưa dự án điện khí LNG Hải Phòng giai đoạn I, công suất 1.600 MW vào vận hành giai đoạn 2031-2035; dự án điện khí LNG Quảng Ninh 2, công suất 1.500 MW; các dự án điện LNG Hải Phòng giai đoạn II, LNG Thái Bình giai đoạn 2, LNG Hoà Ninh giai đoạn I, LNG Thanh Hóa, mở rộng Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 và 2 đưa vào danh mục dự phòng phát triển giai đoạn 2031-2035.

Theo đánh giá tình hình triển khai các dự án điện khí LNG thời gian qua, một số dự án chậm tiến độ, khó có khả năng đưa vào vận hành trước năm 2030 theo quy hoạch được duyệt; một số dự án được phê duyệt quy hoạch đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư và chưa triển khai.
Bộ Công Thương đánh giá, việc triển khai các nguồn điện này chỉ đạt khoảng 57% trong giai đoạn 2021-2025 và 7,3% trong cả giai đoạn 2021-2030. Điều này gây nguy cơ thiếu hụt công suất các nguồn điện nền, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng điện và an ninh năng lượng, đặc biệt tại các trung tâm phụ tải của miền Bắc.
Theo đó, Bộ này kiến nghị xem xét đưa dự án nguồn điện LNG Hải Phòng giai đoạn I, công suất 1.600 MW vào vận hành giai đoạn 2025-2030 (bù trường hợp dự án LNG Nghi Sơn không vào kịp tiến độ trước năm 2030); LNG Hải Phòng giai đoạn II, công suất 3.200 MW vào vận hành giai đoạn 2031-2035 (thay dự án nguồn điện LNG Quảng Ninh 2, LNG Thái Bình giai đoạn 2);
Đưa dự án nguồn LNG Hiệp Phước vào vận hành giai đoạn 2025-2030 (bù trường hợp dự án nguồn điện LNG Cà Ná không vào kịp tiến độ trước năm 2030) vào danh mục chính thức để thực hiện các thủ tục chuẩn bị dự án, sẵn sàng triển khai theo tiến độ cam kết của các địa phương, nhưng phải đảm bảo hiệu quả đầu tư, tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Một số dự án nguồn điện LNG trong danh mục dự phòng, gồm: LNG Thái Bình giai đoạn 2, LNG Hoà Ninh giai đoạn I, LNG Thanh Hoá, mở rộng Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 chỉ được triển khai khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận để bù đắp các nguồn điện khác trong khu vực chậm tiến độ hoặc phụ tải tăng đột biến.
Chưa xem xét với đề xuất bổ sung thêm nguồn điện tái tạo lớn
Bộ Công Thương cho biết, một tập đoàn đề xuất bổ sung 13.900 MW nguồn điện mặt trời đến năm 2030, chiếm khoảng 50% tổng công suất điện mặt trời tăng thêm của toàn quốc (27.882 MW) và 17.900 MW đến năm 2035, chiếm khoảng 51,5% tổng công suất điện mặt trời tăng thêm của toàn quốc (34.769 MW).
Tổng công suất nguồn điện gió trên bờ, gần bờ đề xuất bổ sung đến năm 2030 là 6.600 MW, chiếm 40,1% tổng công suất điện gió tăng thêm của toàn quốc (16.146 MW) và 9.100 MW đến năm 2035, chiếm 149% tổng công suất điện gió tăng thêm của toàn quốc đến năm 2035 (6.096 MW).
Qua rà soát, đa số quy mô công suất từng loại hình nguồn (điện mặt trời, điện gió) do tập đoàn này đề xuất bổ sung tại từng địa phương đã nằm trong tổng công suất phân bổ đối với từng loại hình nguồn trong Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc đề xuất đầu tư các dự án năng lượng tái tạo sẽ phải thực hiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu với các địa phương.
Hơn nữa, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đã tính toán tối ưu cơ cấu từng loại hình nguồn của cả nước, bảo đảm chi phí của hệ thống điện là nhỏ nhất. Việc đề xuất bổ sung thêm nguồn công suất điện mặt trời, điện gió tăng thêm so với công suất đã phân bổ cho các địa phương như trên sẽ dẫn đến cơ cấu tổng công suất từng loại hình nguồn trong từng khu vực, từng địa phương sẽ vượt quá kết quả tính toán tối ưu của Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Điều này sẽ dẫn đến phải tính toán, xác định lại cơ cấu từng loại hình nguồn, phải lấy lại ý kiến các bộ ngành, địa phương và Hội đồng thẩm định. Như vậy, sẽ không bảo đảm tiến độ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII theo yêu cầu của Thủ tướng.
Ngoài ra, đây mới chỉ là đề xuất bổ sung nguồn điện, chưa có nghiên cứu về phương án đấu nối, khả năng giải toả công suất, vận hành hệ thống.
Từ đó, Bộ Công Thương kiến nghị chưa xem xét đối với đề xuất về việc bổ sung thêm các nguồn năng lượng tái tạo tại thời điểm này.
Trong quá trình thực hiện quy hoạch, bộ sẽ tiếp tục rà soát để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung thêm các nguồn năng lượng tái tạo trong trường hợp phụ tải tăng cao hoặc bù đắp cho các dự án năng lượng tái tạo chậm triển khai.