Dựa vào diễn biến giá dầu thế giới, đại diện nhiều doanh nghiệp dự báo, trong kỳ điều hành chiều nay (10/4), giá xăng trong nước có thể giảm tới 1.400 - 1.800 đồng/lít. Còn giá dầu diesel có khả năng được điều chỉnh giảm 1.200 - 1.300 đồng/lít.
Trong trường hợp cơ quan điều hành trích quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm ít hơn.

Giá xăng dầu dự báo đồng loạt giảm mạnh từ chiều nay 10/4. (Ảnh minh họa).
Trong khi đó, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành chiều nay 10/4, giá xăng dầu có thể giảm mạnh 6,5 - 8,6%.
Cụ thể, VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON92 có thể giảm 1.624 đồng (8%) về mức 18.746 đồng/lít, còn xăng RON95 có thể giảm 1.795 đồng (8,6%) về mức 19.115 đồng/lít.
Giá dầu hỏa và diesel bán lẻ kỳ này cũng có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể dầu diesel có thể giảm 6,7% mức 17.234 đồng/lít, dầu hoả có thể giảm 6,5% về mức 17.516 đồng/lít, dầu mazut có thể giảm 6,9% về mức 15.841 đồng/kg.
Nếu những dự báo trên là đúng thì giá xăng trong nước sẽ đảo chiều giảm mạnh sau 3 lần tăng liên tiếp.
Trước đó, ở kỳ điều hành ngày 3/4, giá xăng E5 RON92 không cao hơn 20.373 đồng/lít, tăng 341 đồng/lít. Xăng RON95 không cao hơn 20.919 đồng/lít, tăng 495 đồng/lít.
Giá dầu diesel không cao hơn 18.478 đồng/lít, tăng 261 đồng/lít. Giá dầu hỏa không cao hơn 18.735 đồng/lít, tăng 211 đồng/lít. Giá dầu mazut không cao hơn 17.026 đồng/kg, tăng 124 đồng/kg.
Đây là lần tăng thứ ba liên tiếp của giá xăng và cơ quan quản lý tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng.
Tính từ đầu năm 2025 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 14 phiên điều chỉnh, trong đó có 5 phiên giảm, 6 phiên tăng và 3 phiên trái chiều.
Trên thị trường thế giới, giá dầu tăng hơn 4% sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tạm hoãn việc áp thuế mà ông đã công bố vào tuần trước đối với hầu hết các quốc gia khác.
Giá hợp đồng dầu Brent kết thúc phiên tăng 2,66 USD, tương đương 4,23%, lên mức 65,48 USD/thùng. Dầu thô Tây Texas (WTI) của Mỹ tăng 2,77 USD, tương đương 4,65%, đóng cửa ở mức 62,35 USD/thùng.
Tuy nhiên trước đó, cả hai hợp đồng dầu đều từng giảm khoảng 7% đầu phiên trước khi đảo chiều tăng mạnh. Nguyên nhân là nỗi lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu yếu hơn, kết hợp với quyết định của OPEC+ về việc nới lỏng sản lượng nhanh hơn dự kiến, đã tạo ra một 'liều thuốc độc' làm gia tăng lo ngại về một thị trường dầu mỏ dư cung.