Nhiều năm nay bà Thảo uống thuốc và ăn kiêng đều đặn để duy trì đường huyết ổn định, song do biến chứng tổn thương dây thần kinh ngoại biên ở hai chân nên có cảm giác kiến bò, râm ran, đau, ngứa gãi nhiều. Bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám trong tình trạng lơ mơ, vật vã, thở nhanh, tím tái, tụt huyết áp, chân trái sưng to kèm bóng nước và nhiều mủ.
Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh sốc nhiễm trùng, suy thận cấp trên nền bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp. Bác sĩ chỉ định nhập khoa Hồi sức tích cực và chống độc (ICU) khẩn để lọc máu, điều trị tích cực ngăn chặn suy thận tiến triển và các biến chứng khác.
Sau 4 ngày lọc máu liên tục, bà Thảo thoát nguy kịch, sức khỏe ổn định hơn, được bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường xử lý biến chứng đái tháo đường ở chân. Lúc này, vết thương lớn ở bắp chân đã hoại tử, vùng mu bàn chân bong da hoại tử diện tích lớn (10x10 cm), tiết dịch, nhiều mủ.

Bác sĩ thay băng, xử lý vết thương cho bà Thảo. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Trong một tháng, bà Thảo trải qua ba lần phẫu thuật để cắt lọc các mô hoại tử. Do lớp da ở mu bàn chân bị hoại tử, bong tróc diện tích lớn, không thể tự hồi phục, các bác sĩ lấy da từ vùng đùi bẹn hai bên để ghép da tự thân cho người bệnh. Vết thương lớn ở bắp chân hoại tử sâu gần đến xương, sau khi cắt lọc các phần mô chết, bác sĩ sử dụng liệu pháp chân không (VAC) loại bỏ dịch ứ đọng, tăng cường tuần hoàn nuôi dưỡng tại chỗ, giúp làm đầy và nhanh lành vết loét.
Bác sĩ CKI Phạm Thị Thu Hà, Trưởng đơn vị Bàn chân đái tháo đường, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết sau một tuần ghép da, vùng da ghép ở mu bàn chân người bệnh hồi phục tốt. Tuy nhiên, người bệnh lớn tuổi, vết thương ở bắp chân lớn và sâu, tiên lượng hồi phục chậm hơn, dự kiến cần tiếp tục theo dõi và điều trị lâu dài.
Loét bàn chân đái tháo đường được chia làm ba nhóm biến chứng là loét thần kinh, loét mạch máu, loét nhiễm trùng. Trong đó, loét nhiễm trùng là biến chứng nguy hiểm nhất, như trường hợp sốc nhiễm trùng của bà Thảo là giai đoạn nặng nhất của nhiễm trùng, theo bác sĩ Hà.
Biến chứng bàn chân đái tháo đường làm cho người bệnh mất cảm giác đau, ngay cả khi bị đứt chân, phồng rộp hoặc có vết loét. Đây là cơ hội cho vi khuẩn, vi trùng xâm nhập gây nhiễm trùng, khiến vết thương khó lành. Nếu bàn chân bị hoại tử hoặc lở loét, điều trị không cải thiện, người bệnh có nguy cơ cắt cụt chi (cắt ngón chân, bàn chân hoặc một phần chân tổn thương) nhằm ngăn nhiễm trùng lan rộng và ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sĩ Hà khuyên người bệnh đái tháo đường nên kiểm soát đường huyết để hạn chế nhiễm trùng, chú ý đến các vết thương ở chân giúp phát hiện sớm biến chứng. Người bệnh cần đến bệnh viện có chuyên khoa nội tiết - đái tháo đường khám ngay nếu có dấu hiệu như sưng tấy đỏ vùng da quanh vết thương, đau nhức, có tiết dịch đục, chảy mủ.
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |