"Tôi không còn trẻ", Jane, sử dụng biệt danh để tránh rắc rối, nói với Wired. "Về cơ bản, cơ hội thụ thai tự nhiên của tôi khá thấp nên lựa chọn duy nhất là IVF".
Jane là nhân viên Twitter tại Mỹ. Cô bị chẩn đoán tắc ống dẫn trứng và khó có con. Các bác sĩ khuyên cô nên thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), nhưng giờ đây kế hoạch khó thực hiện được do thiếu tiền.
Ngày 4/11, vài tuần trước khi làm IVF, Jane nhận được email sa thải cùng với khoảng 3.500 đồng nghiệp khác. Tại Twitter, những nhân viên khó sinh con như Jane có thể nhận 24.000 USD mỗi năm trong 5 năm, thông qua đơn vị bảo hiểm đối tác là Carrot. Công ty này cung cấp cơ hội tiếp cận nhiều phương pháp điều trị sinh sản, như IUI và IVF.
"Chính sách rất tuyệt và được đón nhận nồng nhiệt. Nhiều người đã thỏa mong ước có con", Jane nói. Cô đã đăng ký IVF nhưng cần thời gian thực hiện một loạt bước như xét nghiệm, điều trị... và đang mắc kẹt trong quá trình đó khi bị sa thải.
Khi nhận quyết định thôi việc, Jane đã liên hệ với nhà tư vấn của Carrot. Người này cho biết việc điều trị sẽ tiêu tốn 6.000 USD mỗi lần. Cô đã cố gắng liên lạc với đội ngũ nhân sự Twitter để tìm giải pháp, nhưng đáp lại là sự im lặng. "Có lẽ, họ cũng đã bị sa thải như tôi", Jane nói.
Tương tự, hàng chục cựu nhân viên Twitter đã tiếp cận Menaka Fernando, một đối tác tại văn phòng công ty luật Outten & Golden ở San Francisco, để tìm các giải pháp đòi quyền lợi từ công ty vừa sa thải mình. Dù vậy, họ thừa nhận với hoàn cảnh hiện tại, mọi thứ đang trở nên vô vọng.
Sujatha Krishnaswamy, từng là Giám đốc chương trình kỹ thuật tại Twitter, lo lắng cuộc sống trở nên khó khăn khi bị cho thôi việc khi mới sinh con vài tuần. "Hồi đầu năm khi đang mang thai, tôi vẫn làm việc cả ngày lẫn đêm để phục vụ người dùng. Tôi yêu công việc của mình. Thật không may, ông chủ mới không yêu lại tôi", Krishnaswamy viết trên LinkedIn.
Cũng theo Krishnaswamy, vấn đề nghiêm trọng nhất với cô là thị thực H1-B. Là người nhập cư, cô chỉ có 60 ngày tìm công việc mới, hoặc phải về nước. "Khi vừa sinh con, mọi thứ thật không dễ. Tôi mất hai ngày để trấn tĩnh", cô nói. Theo Forbes, dựa trên phân tích dữ liệu của Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ, có gần 700 nhân viên Twitter đang sử dụng thị thực H1-B.
Twitter không phải là nơi duy nhất có các đợt sa thải lớn khiến nhân viên lâm vào hoàn cảnh khó khăn một cách bất ngờ. Theo QZ, từ đầu năm đến nay, lực lượng lao động tại Thung lũng Silicon đang nhanh chóng thu hẹp. Chỉ tính riêng tháng 10 và tháng 11, các công ty công nghệ lớn đã sa thải tổng cộng hơn 33.000 người, trong đó nhiều nhất là Meta với 11.000 người, Amazon 10.000 người, Twitter 3.700 người, Seagate 3.200 người, Microsoft, Stripe và Salesforce mỗi công ty sa thải khoảng 1.000 nhân viên.
Meta được đánh giá là có cách sa thải "ôn hòa" nhất, nhưng cũng khó tránh khỏi việc đẩy nhân viên lâm vào cảnh khó xử. Tương tự Krishnaswamy của Twitter, Anneka Patel, từng là một giám đốc truyền thông của Facebook, cũng nhận email sa thải từ 5h35 ngày 14/11, khi còn chưa thức dậy.
"Sáng đó, tôi biết mình là một trong số 11.000 nhân viên bị ảnh hưởng của đợt sa thải", Patel, đã làm việc tại Meta hai năm rưỡi, viết trên LinkedIn. "Tôi đang trong thời gian nghỉ sinh".
Patel nằm trong danh sách các chuyên gia hàng đầu trong ngành quan hệ công chúng do Business Insider bình chọn đầu năm nay. Theo lịch trình, cô sẽ nghỉ thai sản đến tháng 2/2023. Còn giờ đây, cô cho biết đang trấn tĩnh bản thân, dành thời gian cho đứa con mới sinh và kiếm công việc mới vào năm sau.
Một nhân viên khác của Meta cũng rơi vào hoàn cảnh "dở khóc dở cười". Trên LinkedIn ngày 10/11, kỹ sư phần mềm Himanshu V. cho biết ông đã bay từ Ấn Độ đến Canada để làm việc. Nhưng chỉ hai ngày sau khi nhận công việc mới, ông bị sa thải. "Tôi đã chuyển đến Canada trong tâm trạng háo hức và nó bị dập tắt sau hai ngày. Giờ tôi đang hạn chế các khoản chi tiêu, nhưng không biết làm gì tiếp theo", Himanshu nói.
Tương tự, Vishwajeet Jha, người Ấn Độ và là cựu kỹ sư phần mềm của Amazon, cũng bỏ việc để đầu quân cho Meta được ba ngày trước khi bị sa thải. "Thực sự buồn", Jha viết, đồng thời cho biết quá trình xin thị thực lao động đến Canada "rất dài".
Nhiều người cảm thấy gian nan khi xin việc đúng dịp cuối năm sau. Nilesh Bhandare, 39 tuổi, cựu kỹ sư dữ liệu tại Twitter, đã tìm đến nhiều công ty công nghệ khác nhưng chỉ 20% tuyển dụng toàn thời gian kèm hàng loạt điều khiện bất lợi.
Việc sa thải đã được giới chuyên gia dự đoán trước sau thời gian tăng trưởng nóng. Chẳng hạn, theo Business Insider, Meta đã tuyển thêm trung bình 15.000 nhân viên mỗi năm trong 5 năm qua, vì vậy 11.000 việc làm bị cắt giảm không ảnh hưởng nhiều đến công ty.
Dù vậy, trường hợp của Twitter khác biệt hơn. Sandra Sucher, giáo sư Đại học Harvard và đã nghiên cứu về tình trạng sa thải nhân viên hơn một thập kỷ, cho biết hành động của Twitter là một trong những cách xử lý tồi tệ nhất bà từng thấy. "Dù quy mô không phải chưa từng có, thật bất thường khi thấy việc sa thải được thực hiện nhanh chóng như vậy mà không có lời giải thích cho người lao động về việc ai bị ảnh hưởng và tại sao, khiến cuộc sống họ gặp khó lập tức và không thể trở tay", Sucher nói với New York Times.