Công nghệ

Nguy cơ cháy nổ quạt tích điện giá rẻ

Vội vào kiểm tra, anh Tâm phát hiện phần nhựa ở chân đế quạt nóng chảy biến dạng. Trong đó, một phần cháy đen gần chính giữa để lộ thỏi pin tích điện có thể đã bị nổ bên trong. "Rất may tôi về đúng lúc, nếu không rất có thể đã xảy ra hỏa hoạn", anh nói. Quạt được anh mua đầu tháng 6 với giá 900.000 đồng trên một trang thương mại điện tử.

Trong khi đó, chị Thu Dung (Hà Nội) cho biết chiếc quạt sạc bằng năng lượng mặt trời ở nhà không bị cháy nhưng có hiện tượng nóng chảy phần nhựa ở giữa thân quạt. Khi tháo phần vỏ, pin bên trong bị phồng rộp dù mới sử dụng 4-5 lần.

Một chiếc quạt sạc bằng năng lượng mặt trời bị cháy. Ảnh: Nguyễn Dinh/Facebook

Một chiếc quạt sạc bằng năng lượng mặt trời bị cháy. Ảnh: Nguyễn Dinh/Facebook

Theo chuyên gia điện gia dụng Nguyễn Minh Tiến, hiện tượng cháy nổ với quạt tích điện, quạt năng lượng mặt trời hầu hết đến từ pin hoặc mạch sạc bên trong chất lượng kém. Đa số loại dễ cháy nổ đều sử dụng pin cũ, pin được 'đóng' lại mà không có bước kiểm tra chất lượng tiêu chuẩn. Có thể kể đến như các cực kẽm của pin đều không được bọc cách điện, mạch sạc không ổn định dòng và phân chia dòng sạc, xả khiến pin có tuổi thọ ngắn hoặc dễ phát nổ. Các loại tấm thu năng lượng mặt trời giá rẻ, không có ổn định dòng và chất lượng xuống cấp nhanh cũng là nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng tới pin.

"Một số trường hợp có thể cháy nổ do khách quan như nhiệt độ môi trường quá cao, nguồn điện, cách sử dụng, nhưng rất hãn hữu", ông Tiến nhận định.

Rủi ro với quạt sạc pin không mới nhưng ông Thành Ngọc, chủ cửa hàng bán quạt điện ở Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa (Hà Nội), nhận định nguy cơ năm nay lớn hơn do tình trạng buôn bán mặt hàng này bất chấp chất lượng trong giai đoạn "sốt quạt" đầu tháng 6.

"Chí phí gốc để thay một bộ pin mới chất lượng khoảng 200.000-400.000 đồng. Nhưng tháng trước, một số bên mời chào cửa hàng nhập quạt tích điện hoàn chỉnh với giá chưa tới 300.000 đồng", ông Ngọc kể và cho biết nếu không dùng pin cũ, chất lượng gia công kém, không thể có mức giá như vậy.

Quạt sạc tại một cửa hàng ở chợ Nhật Tảo, TP HCM. Ảnh: Bảo Lâm

Quạt sạc tại một cửa hàng ở chợ Nhật Tảo, TP HCM. Ảnh: Bảo Lâm

Vũ Ngọc, người có kinh nghiệm bán hàng điện tử lâu năm, cho biết trong giai đoạn nhu cầu quạt tích điện tăng đột biến, các nhà xưởng tại Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng quá tải.

"Nhiều đơn vị cung cấp không thể kiểm soát chất lượng như trước, thậm chí có thể trộn hàng linh kiện kém để đáp ứng đủ đơn hàng cho đối tác. Người nhập hàng tại Việt Nam nếu không có kiến thức, kinh nghiệm dễ nhập phải hàng loại hai, loại ba dù trả tiền cho hàng loại một", ông Ngọc nói.

Các chuyên gia cho biết quạt tích điện, quạt sạc pin bằng năng lượng mặt trời hiện phần lớn đều nhập về từ Trung Quốc. Người dùng thực tế cũng không có nhiều lựa chọn do các thương hiệu quạt nổi tiếng thường không sản xuất dòng sản phẩm này. "Người dùng không nên tham rẻ, phải mua tại các nơi bán uy tín để có chế độ bảo hành, cam kết chất lượng lâu dài", ông Tiến khuyên.

Quạt tích điện hiện dùng ắc-quy khô hoặc pin lithium. Cả hai loại đều có nguy cơ hỏng nếu không được sử dụng trong thời gian dài. Trong khi đó, quạt sạc bằng năng lượng mặt trời cũng cần bộ tích điện bên trong. Với ắc-quy khô, bình có thể mất khả năng sạc lại hoặc giảm điện thế khiến quạt có công suất thấp hơn nhiều so với ban đầu. Trong khi đó, quạt lithium sau một thời gian không bật cũng gặp vấn đề mất nguồn, không thể sạc hoặc xả.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm