"Cuối cùng tôi đã đặt được một chân tới ước mơ tốt nghiệp đại học trước sinh nhật lần thứ 60", người phụ nữ làm thợ nail ở bắc bang California nói sau khi đã hoàn thành chương trình tiếng Anh, đủ điều kiện vào ngành dinh dưỡng của một trường đại học tại Mỹ.
Ánh Tuyết kể năm 20 tuổi, khi đang học năm thứ hai một trường kỹ thuật tại TP HCM, cô có quyết định khó khăn nhất cuộc đời là bỏ học về làm công nhân chăm lo kinh tế gia đình.
Ở tuổi 24, cô gái lấy chồng sinh con rồi mở tiệm cơm làm sinh kế. Những năm tuổi trẻ của Tuyết trôi qua với liên tiếp sóng gió, từ bị lừa mất hết tài sản, phải làm thêm đủ thứ nghề như bán gạch xi măng, môi giới bất động sản để trả nợ. Khi cuộc sống bình yên trở lại, người chồng đột ngột qua đời, để lại hai đứa con lần lượt 13 và 8 tuổi. Từ đó tới nay, cô vừa làm mẹ vừa làm cha.
Năm 2010, cả gia đình cô Tuyết sang Mỹ định cư. Ở xứ người, cô đi học rồi xin làm trong tiệm nail của người Việt. Mỗi ngày làm 10 tiếng, đủ 7 ngày trong tuần. "Trên đất khách, tôi không cho phép mình bị bệnh vì nếu chẳng may ốm đau, ai sẽ là người nuôi con", cô Tuyết nói.
Làm việc với chủ tiệm nail và nhân viên đều là người Việt, bà mẹ hai con bị hạn chế giao tiếp với khách bản địa bởi vốn tiếng Anh ít ỏi. Là người hướng ngoại, thích giao lưu, cô quyết định tự học ngoại ngữ. Vì không có thời gian, cô chọn học online. Ban đầu học nghe nói thông qua những bộ phim hoạt hình bởi hình ảnh dễ thương lại dễ nghe dễ hiểu. Dù vậy, sau này vì công việc bận rộn, việc học phải tạm dừng.
Năm năm trước khi các con đã trưởng thành, lo được kinh tế, ước mơ tới giảng đường của người phụ nữ gốc Việt lại trỗi dậy mạnh mẽ.
"Đời người vốn ngắn ngủi, giờ mẹ hãy sống cuộc đời của mình bằng cách thực hiện ước mơ còn dang dở", lời động viên của con út khiến cô Tuyết có thêm động lực. Cô chọn học chương trình General English (tiếng Anh tổng quát) tại trường Cosumnes River College trong hai năm nhằm đáp ứng điều kiện chuyển tiếp lên đại học chuyên ngành dinh dưỡng.
Nhưng Covid-19 bùng phát, kế hoạch học hành phải tạm hoãn, tới mùa thu năm 2022 mới thực hiện lại được.
Thời gian đầu, vì chỉ nghe hiểu được 50% bài giảng tiếng Anh trên lớp, cô Tuyết quyết định chỉ đi làm cuối tuần, thời gian còn lại tập trung học. Mỗi ngày, cô dành ít nhất 12 tiếng học từ mới, nghe lại các bài giảng được thu âm trên lớp cũng như tập cách viết và hành văn bằng tiếng Anh.
Không thành thạo máy tính, cũng chưa từng học qua phần mềm trình chiếu như PowerPoint, ban đầu cô mất nhiều thời gian học cách sử dụng công nghệ. Dù được các con trợ giúp, nhiều lúc cô ngủ gục trên bàn vì mệt. Nhưng chưa khi nào cô có ý định bỏ cuộc.
Miệt mài học, điểm số của người phụ nữ gốc Việt dần tăng từ C lên B rồi B+. Bài trên lớp chưa hiểu, cô nghe đi nghe lại ghi âm rồi viết ra vở, từ nào chưa hiểu lại hỏi giáo sư, bạn bè. Trước khi lên lớp học chuyên đề mới, cô Tuyết tự tìm hiểu thông tin trước, tìm kiếm những đề tài liên quan để nắm nội dung chính.
"Ví như học về cặp sinh đôi khác trứng hoặc cùng trứng trong Sinh học, tôi sẽ tìm hiểu trước đề tài này để biết thêm kiến thức và những thuật ngữ liên quan". Bà mẹ hai con nói từ cách học này, khi giáo sư giảng bài mới, 90% nội dung chính có thể nắm vững.
Về phần giao tiếp, mỗi khi đến chỗ làm, cô lại cố gắng vận dụng những thứ đã học, chủ động tìm cơ hội trò chuyện với khách. Từ việc bị động, hỏi gì trả lời nấy với những câu ngắn gọn thì nay người phụ nữ này đã biết cách khơi gợi nhiều vấn đề hơn. Trên lớp, cô cũng hăng hái thuyết trình, tranh biện.
Theo cô Tuyết, để có thể tự tin nói trong lớp học, cần thực hiện ba quy tắc: Đọc bài trước và nắm chắc kiến thức; Sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, nói chậm và từ tốn, không nhất thiết phải bắt chước tốc độ nói hay ngôn ngữ phức tạp như sinh viên bản địa; Làm dàn ý ngắn gọn cho những điều mình định nói. Một khi đã nói đúng và đủ ý sẽ tự tin hơn để làm chủ phần phát biểu.
Sau gần hai năm, đầu 2024 cô Tuyết đã vượt qua kỳ thi lớp tiếng Anh, đủ điều kiện lên đại học theo ngành đã lựa chọn. Ước mơ của người phụ nữ gốc Việt sau khi nhận bằng tốt nghiệp sẽ mở một công ty chuyên về tư vấn và chăm sóc người lớn tuổi.
"Muốn giảm bớt chi phí khi chuyển tiếp vào chuyên ngành, tôi phải cố gắng đạt kết quả tốt hơn nữa để giành được học bổng", cô nói.
Nhìn thấy nỗ lực từ mẹ, người con trai lớn Trần Xuân Thiên Trúc, 32 tuổi, nói đã học được quy tắc "bắt đầu cái gì sẽ cố gắng hoàn thành đến cùng".
"Mẹ luôn dặn làm gì cũng phải hết mình để bản thân không phải nói hai từ 'giá như"', người đàn ông hiện làm thiết kế và thi công nhà cửa tại California chia sẻ. Câu chuyện học tập của cô Tuyết gần đây cũng được Thiên Trúc chia sẻ lên mạng xã hội với thông điệp "Không gì là quá trễ để làm những việc bản thân mong muốn".
Trong những lần trả lời bình luận dưới bài đăng của con trai, khi được hỏi: "Động lực nào để tiếp tục đi học ở tuổi 55?", người phụ nữ gốc Việt khẳng định, khi đã có ước mơ, bản thân phải bảo vệ ước mơ của mình.
"Người ta có thể xem nhẹ bạn, nhưng bạn thì không được phép hạ thấp bản thân mình. Nếu thực sự muốn điều gì, hãy đấu tranh vì nó", cô tân sinh viên nói.