Dự định bán chung cư tại quận Hà Đông giá 2,5 tỷ đồng, vợ chồng chị Hồng Minh muốn tìm một căn hộ chung cư cũ chuyển về quận Cầu Giấy để tiện việc đi làm và đưa đón các con. Tuy nhiên, do ngân sách chưa đến ba tỷ khó mua được chung cư thương mại khu vực này với vùng giá từ 60-80 triệu đồng/m2, vợ chồng chị Hồng Minh đã chuyển sang phương án tìm mua nhà tái định cư.
Sau một thời gian tham khảo, chị Hồng Minh tìm hỏi khu tái định cư Nam Trung Yên.
“Tôi có tìm được vài căn tái định cư ở khu vực này, tuy nhiên các căn hộ đều xuống cấp nhưng giá bán thì cao ngang với các căn chung cư thương mại. Một căn hai phòng ngủ, diện tích khoảng 70 m2 tại tòa B3A đã được chủ cải tạo lại và rao bán với giá 3,95 tỷ đồng (56 triệu đồng mỗi m2)” – chị Hồng Minh nói.
Căn chung cư tái định cư diện tích 70 m2 đang được rao bán 3,95 tỷ đồng
Nữ nhân viên văn phòng cho biết, chị bất ngờ vì giá tái định cư cũng ngang chung cư thương mại phân khúc tầm trung. Chị hỏi thêm một số môi giới khác thì quỹ căn rao bán đều ở mức 50-60 triệu đồng một m2. Thậm chí có căn 66 m2 ở tòa A6 đang được chào hơn 60 triệu đồng mỗi m2 vì chủ nhà tính cả chi phí nội thất, sang sửa.
"Khu tái định cư này đã hoạt động hơn 15 năm, các hạng mục đều xuống cấp trầm trọng mà giá vẫn ngang ngửa chung cư thương mại. Có lẽ vợ chồng tôi phải tính toán lại việc chuyển nhà", chị Hồng nói.
Trường hợp như chị Hồng không phải là hiếm gặp. Mới đây, trên một trang diễn đàn về nhà đất, tài khoản có tên Trang Nguyễn cũng chia sẻ bản thân “sốc nặng” khi cùng môi giới đi xem căn hộ chung cư tái định cư tại Trung Hòa Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội) với giá rao bán là 2,8 tỷ đồng.
Cụ thể, tài khoản Trang Nguyễn chia sẻ: “Anh chị nghĩ sao về việc mua chung cư thang bộ ở khu tái định cư tại Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội) ạ. Căn hộ ở vị trí trung tâm, có diện tích sổ 90m2 và nằm trên tầng 7 (bao gồm cả tầng để xe), không thang máy, không tầng hầm để xe. Đặc biệt, khi em lên và cùng bạn môi giới mở cửa căn hộ thì thực sự “sốc nặng” vì khắp căn nhà đều loang lổ, trần nhà bị thấm dột, ẩm mốc, bục vỡ từng mảng lớn. Nếu mua, xác định sẽ phải sửa liên miên ạ.
Em thì ưng địa điểm và diện tích quá nhưng nghĩ lết thang bộ mỗi ngày lên xuống 7 tầng cầu thang thì cũng muốn tụt huyết áp luôn. Hơn nữa, trần nhà đã bị thấm dột từ lâu, khó cải tạo và chi phí sửa hàng năm có lẽ cũng cần một khoản không nhỏ. Theo các anh chị, có nên liều mua và sửa không ạ?"
Chủ tài khoản đồng thời cho biết, căn hộ dột nóc sập trần nói trên nằm ở tầng 6 của tòa nhà tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính và lưu ý những người đang có nhu cầu mua nhà nên cân nhắc...
Thông tin sau khi được chủ tài khoản chia sẻ đã thu hút hàng trăm lượt bình luận tương tác. Trong số đó, nhiều ý kiến cho rằng với số tiền trên chủ nhà thà chọn một căn nhà ở ngoại thành dù xa một chút nhưng có nơi ở an toàn và đảm bảo sức khỏe; một số khác thì so sánh căn tái định cư dù mới 15 năm nhưng đã xuống cấp và xập xệ, chất lượng thậm chí còn tồi hơn các căn hộ tập thể cũ 50 năm tuổi. Đặc biệt, căn hộ trên tầng 7 mà không có thang máy thì thực sự là một thách đố với bất kỳ ai...; một số người khác thì khuyên chủ tài khoản nên tạm dừng ý định mua nhà: “Thà không nhà còn hơn, số tiền 3 tỷ đồng trong thời điểm này bạn gửi tiết kiệm tại ngân hàng và dùng tiền đó thuê nhà khỏe hơn nhiều”...
Dành lời khuyên cho người mua nhà, ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Hiệp hội bất động sản Việt Nam - nhìn nhận, nhà tái định cư gần 60 triệu đồng mỗi m2 là giá rao bán "ăn theo" đà tăng của phân khúc chung cư.
Ông Điệp giải thích rằng, nhu cầu nhà ở trung tâm tăng mạnh từ cuối năm ngoái, trong khi nguồn cung ít ỏi, dự án mới mở bán giá tới 70 - 80 triệu đồng mỗi m2 dù xa trung tâm.
Do đó, những khu tái định cư đã hoạt động hơn chục năm, sở hữu vị trí đắc địa như Nam Trung Yên, Trung Hòa - Nhân Chính... vẫn rao bán cao.
Tuy nhiên, theo vị này, giá đưa ra của chủ nhà cũng phải phù hợp, nếu cao quá mà hiện trạng lại xuống cấp khiến giao dịch khó đi đến thành công, “người mua nhà cũng cần lưu ý và tham khảo kỹ các căn hộ trước khi quyết định xuống tiền” – vị này lưu ý.