Thử tưởng tượng bạn lập kế hoạch nghề nghiệp cho cuộc đời mình giống như một chuyến bay từ Hà Nội đến Paris:
Theo kế hoạch: Bạn đi làm kiếm đủ tiền mua vé máy bay, xin visa, đặt vé, lên máy bay bay đến nơi và sống sung sướng như mơ ước. Cũng giống như bạn học hết cấp ba, rồi học đến đại học, ra trường xin đi làm thực tập, rồi thành nhân viên chính thức, rồi lên sếp nhỏ, sếp to và kết thúc viên mãn. Thực tế: thì lại không giống như là mơ, hành trình đi Paris của bạn bỗng nhiên gặp vô số vấn đề mà bạn không lường trước được, ví dụ như: bạn bị trộm ăn cắp hết tiền, đại sứ quán không cấp visa, COVID-19 ập đến không còn chuyến bay nào cả, vân vân và mây mây. Vậy bạn nên khóc lóc vì kế hoạch đặt ra không thành hiện thực, hay nên làm gì?
Chúng ta cho rằng việc lập kế hoạch nghề nghiệp giống như một đường thẳng, chỉ cần lên kế hoạch thật kỹ là chúng ta sẽ đi đến đích thành công. Tuy nhiên thực tế lại không hề như vậy, có những điều mình có thể lên kế hoạch được, nhưng có những điều thì không thể. Ví dụ như dịch bệnh bỗng nhiên xuất hiện, công ty bất chợt phá sản, khủng hoảng kinh tế bất chợt kéo đến, tai nạn, vân vân – đều là những điều chúng ta không thể lên kế hoạch trước được. Điều mà mỗi người có thể làm là hiểu rõ rằng, lập kế hoạch nghề nghiệp không phải là một đường thẳng, mà nó là một con đường với nhiều chông gai, và việc mỗi cá nhân cần làm là trang bị cho bản thân những kỹ năng, kiến thức cần thiết để dù gặp chông gai nào ta cũng có thể đối mặt được.
Lý Thuyết Ngẫu Nhiên Có Kế Hoạch
Trong tư vấn hướng nghiệp có một lý thuyết với tên gọi rất hay là "Ngẫu Nhiên Có Kế Hoạch" hay tiếng Anh là "Planned Happenstance" của giáo sư Krumbolt. Thuyết này được minh họa bằng một hình ảnh rất dễ hiểu trong sách "Kỹ năng tư vấn cá nhân" do VVOB phát hành như bên dưới:
Hình ảnh này là câu trả lời đầu tiên cho vấn đề được nêu ở trên kia, phải làm gì khi chúng ta gặp những sự cố bất ngờ trên hành trình nghề nghiệp của mình? Việc đầu tiên đó là, mỗi người bản thân phải luyện cho bản thân được cái nhìn lạc quan trong mọi vấn đề, vì chỉ khi lạc quan thì ta mới tiếp tục đứng vững để tìm giải pháp.
Lấy ví dụ dịch COVID-19 hiện tại có thể làm ta bất ngờ bị mất việc vì công ty cắt giảm nhân sự. Vậy ta phải làm gì? Lên mạng xã hội than vãn, trách móc công ty, giận giữ, cau có, khó chịu và ôm cục tức? Hay coi như đây là một cơ hội để làm mới mình? Một cơ hội để suy nghĩ nghiêm túc về nghề nghiệp tương lai, một cơ hội để học thêm những kỹ năng mình còn đang thiếu, một cơ hội để tìm kiếm thử một số công việc làm freelance kiếm thêm thu nhập tại nhà.
Trong lý thuyết trên, giáo sư John Krumboltz nhấn mạnh rằng những sự kiện không thể dự đoán trước, những tác động ảnh hưởng xung quanh môi trường sống của chúng ta đều là những yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến con đường nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Mỗi cá nhân nên trau dồi các kỹ năng sau, để luôn luôn vững bước dù chuyện gì xảy ra:
Sự tò mò (Curiosity): khi chúng ta còn tò mò với những cơ hội xung quanh, chúng ta sẽ vẫn còn cơ hội để tiến lên phía trước. Trong lúc đại dịch đang phải làm việc tại nhà, tính tò mò về những công việc online có thể mang đến cơ hội cho chúng mình.
Sự kiên trì (Persistence): khó khăn nào rồi cũng qua, liệu chúng ta có đủ kiên trì để đối mặt với khó khăn đó đến đâu.
Sự linh hoạt (Flexibility): là chúng ta có thể thay đổi những thói quen hằng ngày hoặc thay đổi bản thân tùy theo sự kiện đang diễn ra. Ví dụ những ngày này phải làm việc tại nhà và cắt giảm tiền lương, ta tập tành ăn uống tiết kiệm, tìm đến những thú vui giải trí đỡ tốn kém hơn.
Sự lạc quan (Optimism): khi còn lạc quan, ta có thể nhìn thấy ánh sáng le lói trong một đêm tối mù mịt.
Chúc tất cả chúng ta vững bước trên con đường nghề nghiệp của mình.