Khi đọc sách của tôi, nhiều người nghĩ tôi là người có khả năng viết thiên bẩm. Rồi khi xem video của tôi, nhiều người cũng nghĩ tôi là người có tố chất ăn nói. Họ nghĩ tôi nói năng rõ ràng dứt khoát như vậy là bởi sinh ra tôi đã như vậy rồi.
Thật tình thì… ước gì tôi may mắn như vậy!
Trước đây tôi là một người "nói lắp thô bạo". Ngoài ra tôi còn bị một tật khác là nói không rõ chữ. Mỗi khi nói, cảm giác người khác giương miệng ngáp. Mỗi khi nói xong, tưởng tượng người khác đã mắc màn đi ngủ mất rồi.
Vậy làm thế nào để từ một kẻ nói lắp tôi có thể trở thành một người nói năng rõ ràng dứt khoát như vậy? Trong bài viết này tôi sẽ chia sẻ tới bạn 4 bí mật đã giúp tôi thay đổi. Và biết đâu, nó cũng sẽ giúp bạn thay đổi thì sao?
1. Muốn nói năng rõ ràng, bạn phải mở to miệng khi nói
Như bạn cũng biết, những người nói lắp thường bị châm trọc rất nhiều. Mặc dù đẹp trai, hào hoa phong nhã nhưng tôi cũng bị bạn bè chế giễu không ít. Cho đến một ngày, khi sự chế giễu dần trở thành sự thật tàn nhẫn, tôi quyết định phải dừng lại mọi thứ trước khi bị gán chữ "lắp" sau tên riêng của mình.
Hồi đó tôi có một quyết định rất đáng ghi nhận: Tôi sử dụng một chiếc gương và thử nói chuyện "như đang nói chuyện". Trong chốc lát, tôi nhận thấy mình đã mắc phải một sai lầm rất nghiêm trọng…
Tôi gần như không nhấc miệng cũng như không uốn lưỡi khi nói.
Nói theo cách như vậy, mặc dù tôi có thể nói nhanh hơn. Tuy nhiên từ ngữ ra khỏi miệng thì cứ đều đều, không có độ cao thấp. Cũng như tôi thường xuyên bị vấp trong quá trình nói. Ôi, cái cảm giác tìm ra nguyên nhân vấn đề nó mới vui sướng làm sao…
Vậy là từ cái ngày soi gương đó, tôi quyết định mình sẽ mở to miệng hơn khi nói. Ban đầu cảm giác hơi ngại, nhưng dần dần tôi càng mở to miệng ra hơn nữa. Từ đó cách nói chuyện của tôi rõ ràng và rành mạch hơn rất nhiều.
Không phải chỉ là nói lắp, nhưng nếu bạn muốn nói năng rõ ràng, rành mạch, dứt khoát. Mở to miệng khi nói là 1 trong những NHÂN TỐ BẮT BUỘC mà bạn cần phải tập luyện trong hôm nay.
Không tin ư? Hãy thử quan sát tất cả những người nói năng rõ ràng rành mạch. Lúc này tôi nghĩ bạn sẽ tự nhận được câu trả lời.
2. Bạn phải tin vào những gì mình nói
Để nói năng rõ ràng dứt khoát hơn nữa, điều số 2 bạn cần đó chính là phải tin vào những gì mình nói.
Khi tôi nói, đã từng có người nói rằng: "Nói cái gì cũng như kiểu là đúng lắm rồi"; "Quan điểm thì sai mà nói cứ như kiểu đúng lắm."
Bạn có biết tại sao tôi luôn nói như kiểu điều đó chính xác 100% không? Qua bao nhiêu năm tháng tập luyện, tôi phát hiện ra để nói và thuyết phục người khác, những gì bạn nói ra phải là những gì bạn tin trong đầu.
Tôi tin vào quan điểm của mình. Tôi tin vào hiểu biết của mình. Tôi tin vào kinh nghiệm và trực giác nhạy bén của mình. Thế nên, khi nói ra điều gì bạn sẽ đều nhìn thấy sự rành mạch và dứt khoát của tôi trong đó.
Trong khi nếu bạn không tin vào những gì mình nói, bạn sẽ khó có thể nói năng sao cho rõ ràng và dứt khoát được. Đồng nghĩa những gì bạn nói sẽ mập mờ, thiếu kiên định, không thuyết phục.
3. Đừng nói những câu vô nghĩa
"Trời thì mây, cây thì xanh, quả bóng thì tròn…" Trời ơi, làm ơn đừng nói những câu vô nghĩa…
Lời khuyên số 3 để nói năng rõ ràng, dứt khoát đó là một khi bạn không nghĩ ra được câu nào có nghĩa thì làm ơn đừng nói những câu vô nghĩa. Nói ra những câu vô nghĩa, tôi thề rằng bạn đừng nói gì còn tốt hơn.
Nó khiến tôi nhớ đến câu nói trong một bộ phim. Khi nhân viên nói với ông trùm về những thông tin mới lượm lặt được.
"Làm ơn… Nói gì mà tao chưa biết đi." The boss said.
Đó là lý do tôi không "bày biện" cho bạn phải nói như này, như kia. Nói gì nó chỉ phản ánh việc bạn đang nghĩ gì. Bạn phải nghĩ ra điều có nghĩa thì bạn mới nói những câu có nghĩa. Trong khi nếu chỉ nghĩ được những điều vô nghĩa thì bạn chỉ nói ra những lời vô nghĩa. Những kiến thức được chia sẻ không dành cho số đông. Nhất là những gã trung bình không khao khát có được lựa chọn tốt hơn cho mình.
Ngoài ra, để nói năng rõ ràng hơn bạn cần phải loại bỏ những từ thừa kiểu như à, ờm, ừm... Để loại bỏ những từ này thì bạn cần phải luôn có suy nghĩ rằng mình sẽ không nói như vậy, mình sẽ loại bỏ những từ đó khi nói. Điều này yêu cầu thời gian và tập luyện. Hy vọng trong thời gian tới bạn sẽ thấy được sự cải thiện.
4. Bạn phải biết 1000 từ về chủ đề đang nói
Ernest Hemmingway có câu nói nổi tiếng: "Bạn phải biết ít nhất 1000 từ để có thể viết một cuốn sách."
Tương tự khi nói, bạn cũng cần phải biết đâu đó khoảng vài trăm đến 1000 từ về chủ đề nói. Ám chỉ bạn phải am hiểu về chủ đề nói thì mới có thể nói năng rõ ràng, rành mạch, dứt khoát được.
Bạn có thể biết nhiều về chứng khoán, đầu tư, hay thổ địa về đồ ăn đồ uống... Quan trọng là bạn phải hiểu về chủ đề mình nói thì những gì bạn nói ra nó mới rõ ràng và dứt khoát được.
Thế nên tip cuối cùng xin ghi nhớ, đó là tìm hiểu về chủ đề nói để từ ngữ và câu cú của mình được rành mạch và dứt khoát hơn.
Ăn nói thời nay không chỉ gói gọn trong giao tiếp, nó còn trực tiếp liên quan đến việc bạn kiếm tiền, xây dựng mối quan hệ cũng như là duy trì hạnh phúc cho mình. Nghĩ xem bạn muốn trở thành người đàn ông không ai hiểu, hay một người có khả năng diễn giải suy nghĩ của mình cho vợ, người yêu cũng như người thân trong gia đình được biết? Điều đó tuỳ thuộc vào lựa chọn và nỗ lực rèn luyện kỹ năng ăn nói của bạn!