"Chị buồn quá em ạ, mấy đứa bạn làm sự kiện, du lịch, khách sạn giờ ế ẩm – dịch bệnh nên chẳng có gì để mà làm, không khéo vài bữa nữa còn bị cắt giảm nhân sự. Đứa thì đang bầu bí, đứa thì mới lấy chồng, nghỉ việc rồi không biết lo kinh tế làm sao."
"Chị làm giáo dục online, sau đợt này có khi bị cạnh tranh ác, nhỉ. Chị cũng chẳng biết làm gì ngoài việc cố gắng làm tốt công việc của mình mỗi ngày để cạnh tranh lại."
Những cuộc đối thoại vụn vặt với bà chị lâu ngày không gặp làm tôi suy nghĩ ngay đến chuyện về nhà để viết bài này liền. Nói thật, so với đám bạn bè xung quanh, tôi không giàu – cũng không kiếm nhiều tiền bằng chúng bạn. Tuy nhiên, tôi có một niềm tin mãnh liệt vào bản thân là: dù cho dịch bệnh có kéo dài, hay gặp những đại dịch tương tự thế này (tôi không hề mong điều đó chút nào), xét về công việc – tôi vẫn sẽ ổn. Ổn theo tiêu chuẩn của tôi đề ra, không phải ổn theo tiêu chuẩn của cái xã hội này.
Tại sao tôi phải gài vào cái câu cuối cùng ở trên? Vì hình như trong mắt nhiều người, có cả người trong gia đình nữa, có vẻ là công việc của tôi chưa được như mọi người mong muốn. Gần 30 tuổi đầu rồi mà còn lông bông, lương một tháng chưa được 30-40 triệu, xe không có, nhà cũng không. Đấy là theo xã hội. Còn cá nhân tôi, tôi tự thấy vẫn ổn: tôi làm công việc mình thích, được tự do về thời gian, kiếm đủ tiền mỗi năm đi chơi ít nhất một nước, vẫn đi tập gym đều mỗi ngày và ăn uống những món tốt cho sức khỏe. Tốt đấy chứ nhỉ?
Quay lại với câu chuyện chính của bài viết này, tôi muốn bàn luận ở đây về chủ đề "Làm sao để vẫn ổn khi tình hình công việc bất ổn"? Tức là một thời gian xấu xí nào đó giống như bây giờ, bệnh dịch đổ đến, công việc suy thoái, phải làm thế nào để mà đối phó. Hai phương án tôi thảo luận ở đây là: chuẩn bị thật tốt những gì cần chuẩn bị và sống trọn vẹn cho hiện tại.
Chuẩn bị thật tốt những gì cần chuẩn bị
Chắc khoảng 80% bạn đọc bài viết này sẽ nhắm đến một công việc tại một công ty sau khi ra trường, 20% còn lại có thể thích làm chủ hoặc làm việc tự do. Đoạn chuẩn bị này tôi viết cho 80% những bạn đã, đang và sẽ làm công ty.
Làm công ty thì cái lợi rõ nhất là gì: tiền vào đều đặn hàng tháng – không lo sự bấp bênh. Lợi thứ hai là chế độ đãi ngộ, bảo hiểm, tiền thưởng này kia – cũng có thể làm chúng ta vui. Cái dở: bị phụ thuộc. Một ngày đẹp trời vì lý do từ A đến Z, chúng ta bị gạch tên khỏi công ty. Mất khoản tiền đều đặn – đáng lo thật đấy. Vậy phải làm thế nào?
Về kỹ năng làm việc, tôi thấy có ba thứ mà mỗi một cá nhân cần chuẩn bị ngay từ trên ghế nhà trường.
Thứ nhất là, kỹ năng tự học. Làm sao để khi mình thích bất kỳ một lĩnh vực nào, mình cũng có thể tự dùng Internet để tìm kiếm được những kiến thức cơ bản về lĩnh vực đó trước khi đi học sâu hơn.
Thứ hai là, kiến thức về công nghệ thông tin. Hôm nọ nghe chia sẻ của đại diện LinkedIn trong hội thảo ACCA Châu Á – Thái Bình Dương, một nghiên cứu của LinkedIn cho thấy tầm quan trọng của những kỹ năng liên quan đến IT ngày càng nhiều hơn ở tất cả các ngành nghề. Không cần phải quá giỏi, nhưng ít nhất chúng ta nên biết Big Data là cái gì, Blockchain, AI... – những khái niệm cơ bản như vậy – biết để hiểu và xem có ứng dụng được gì vào nghề nghiệp của mình hay không.
Thứ ba, trang bị cho bản thân những kỹ năng của thế kỷ 21. Ví dụ là các kỹ năng như tư duy phản biện, sử dụng các công cụ làm việc liên quan đến IT hay kỹ năng sống trong xã hội toàn cầu.
Về tài chính, ngay từ bây giờ hãy bắt đầu có khoản tiền tiết kiệm. Khái niệm Quỹ Khẩn Cấp các bạn sẽ đọc được rất nhiều khi tìm hiểu về tài chính cá nhân. Ngay từ khi bắt đầu kiếm ra tiền, hãy tiết kiệm một khoản từ 6 tháng đến 1 năm chi tiêu. Để ngay cả khi có vấn đề gì thất nghiệp, bạn vẫn có thể sống trong khoảng thời gian đấy mà không phải làm gì cả. Tại đây tôi đang chia sẻ ở góc nhìn của một cá nhân sống một mình, nếu bạn đang phải lo cho gia đình, đã có con cái thì chắc chắn khoản tài chính này phải suy nghĩ kỹ hơn nữa.
Về nghề tay trái, sao bạn chưa nghĩ đến chuyện phát triển một thương hiệu cá nhân? Trong cuốn sách "Định vị bản thân" – tôi có đề cập đến chuyện ai cũng có thể phát triển cho bản thân mình một thương hiệu cá nhân riêng và kiếm tiền từ đó. Ví dụ, viết lách là một nghề, viết lách về một chủ đề, có một trang blog hoặc một trang Facebook và kiếm tiền từ đó. Những kỹ năng khác về thiết kế, IT...
Sống trọn vẹn cho hiện tại
Với tôi, công việc là một phần của cuộc sống – nhưng không phải là tất cả những gì chúng ta có. Một ngày chúng ta có thể dành 8, thậm chí 10 tiếng cho công việc – điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta còn 14-16 tiếng cho những mối quan tâm khác nữa. Nếu công việc có chẳng may không như ý, chúng ta vẫn có thể dành thời gian còn lại để biết những khía cạnh khác của bản thân trở nên như ý hơn.
Ví dụ:
- Dành thời gian ngồi thiền từ 30-60 phút mỗi ngày để luyện cho tâm trí sự tập trung và bình an trong thời buổi hỗn loạn. Hoạt động này có thể làm bất cứ đâu, mà chẳng tốn gì.
- Đi tập thể dục để nâng cao sức khỏe: có tiền thì đến phòng gym, không có tiền thì ra ngoài chạy bộ.
- Dành thời gian đối thoại sâu sắc với những người thân yêu của mình, mấy khi mới có cơ hội dành nhiều thời gian như vậy với nhau đâu.
- Đọc thêm sách, học thêm một vài khóa học liên quan đến những kỹ năng mà mình thích.
- Dọn dẹp nhà cửa.
Có những điều trong cuộc sống mình chẳng lường trước được, nhưng mình có thể chuẩn bị trước được những gì tốt nhất có thể và tập sống sao cho bình an nhất cho hiện tại, bạn nhé!