Tuy nhiên, để trở thành "New York của Đông Nam Á" như Singapore hay trở thành thị trường thương mại điện tử hấp dẫn giới đầu tư trong khu vực như Indonesia, Việt Nam cần lắm một sự thức tỉnh nhanh chóng từ các bạn trẻ khởi nghiệp.
Chúng ta không chỉ có một mà là một loạt lợi thế cạnh tranh như dân số, vị trí địa lý, sự ổn định chính trị… Như vậy, mọi cơ hội và tiềm năng đều đang hiện diện. Các bạn trẻ khởi nghiệp cần nhận ra mình đang ‘có điều kiện’. Hãy tận dụng nó, và bổ sung những điều còn thiếu để vươn lên. Đến thời điểm này, cách biệt về trình độ và khả năng tiếp cận công nghệ của Việt Nam so với thế giới hầu như không lớn.
Trong cuộc trò chuyện mới đây, người đứng đầu của đơn vị đồng phát hành "Báo cáo xu hướng Internet Đông Nam Á 2019", Đoàn Kiều My, Nhà sáng lập kiêm CEO YellowBlocks, đã có những chia sẻ chi tiết hơn về những điểm thuận lợi lẫn thách thức còn tồn tại trên hành trình trở thành "quốc gia khởi nghiệp".
Chân dung của "rồng mới"
Khi trò chuyện với những nhà đầu tư nước ngoài lần đầu muốn tìm hiểu, những điểm nhấn nào về thị trường Internet Việt Nam chắc chắn chị sẽ điểm qua?
Báo cáo xu hướng Internet tại Đông Nam Á 2019" do North Ridge Partners và YellowBlocks thực hiện, đã đánh giá rằng Singapore là "New York của Đông Nam Á", có thể trở thành Hub cho Fintech. Indonesia có thế mạnh là thị trường khổng lồ, tiềm năng cho thương mại điện tử. Trong khi đó, thế mạnh của Việt Nam là khả năng trở thành "công xưởng mới của thế giới". Ngoài ra, như trong báo cáo, với dân số đông đảo, Việt Nam còn là thị trường tiềm năng cho startup công nghệ. Bằng chứng có thể thấy là thương mại điện tử ở Việt Nam cũng phát triển rất mạnh mẽ.
Nhìn chung, với Việt Nam, chúng ta không chỉ có một mà là một loạt lợi thế cạnh tranh như dân số, vị trí địa lý, sự ổn định chính trị… Như vậy, mọi cơ hội và tiềm năng đều đang hiện diện. Chất xúc tác cho thành công từ những cơ hội đang bày sẵn này chính là phải thức tỉnh. Các bạn trẻ khởi nghiệp cần nhận ra mình đang ‘có điều kiện’. Hãy tận dụng nó, và bổ sung những điều còn thiếu để vươn lên. Đến thời điểm này, cách biệt về trình độ và khả năng tiếp cận công nghệ của Việt Nam so với thế giới hầu như không lớn.
Tuy nhiên, thực tế lượng người dùng của Indonesia đông đảo hơn, còn thu nhập trên mỗi người dùng chắc chắn Singapore là đứng đầu. Việt Nam không phải mạnh nhất ở cả hai khía cạnh thì có thật sự hấp dẫn nhà đầu tư?
Các nhà đầu tư luôn có những tìm hiểu kỹ càng khi quyết định rót tiền vào một thị trường. Việt Nam trong mắt họ chính là một thị trường mới mẻ đầy thú vị để khai phá trong khi Indonesia đã quá quen thuộc và có thể bão hoà. Tại "quốc gia vạn đảo", mức độ cạnh tranh của các startup quá cao, với nhiều startup quy mô lớn sừng sỏ. Trong khi đó, các startup Việt Nam hầu như mới phát triển với quy mô tương đối. Đó mới càng là cơ hội mà họ muốn tìm kiếm.
"Bắt mạch" hệ sinh thái
Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ trên nền tảng Internet tại Việt Nam mới phát triển trong thời gian gần đây. Đâu là những mảnh ghép còn thiếu trong hệ sinh thái này?
Tôi cho rằng, startup Việt Nam cần có tầm nhìn quốc tế. Một hệ sinh thái phát triển đồng đều thì cần có sự cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác. Sự cân bằng này đảm bảo rằng các startup nằm trên một trục phát triển đồng đều, và các tiêu chuẩn sản xuất đã được nâng lên. Cho dù một startup đang ấp ủ bất kỳ sáng kiến nào đi chăng nữa, sản phẩm của họ phải có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Đó là cái đích mà các startup cần nhắm đến.
Không chỉ thiếu, khả năng kết nối của các thành phần hiện hữu trong hệ sinh thái cũng còn yếu. Bằng cách nào để cải thiện vấn đề này?
Những thành phần của hệ sinh thái (vườn ươm, công ty khởi nghiệp, Chính phủ .v.v.) chưa thiết lập nhiều quan hệ hợp tác. Các nguồn tài nguyên của họ tuy rất dồi dào nhưng vẫn đang bị phân tán, riêng lẻ, chưa được tập hợp để tối đa hóa lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Cách cải thiện hiện tại đó chính là sự xuất hiện của những cộng đồng kết nối như Startup Vietnam Foundation và YellowBlocks để giải quyết những vấn đề đó, kết nối những thành tố trong hệ sinh thái lại và cùng hướng đến việc xây dựng hệ sinh thái phát triển bền vững. Và đó cũng chính là xuất phát điểm vì sao tôi bắt đầu với YellowBlocks.
Chị có thể nêu rõ hơn vai trò của YellowBlocks trong việc kết nối này?
Chúng tôi nhìn nhận bản thân mình là cầu nối giữa hệ sinh thái công nghệ Việt Nam và thế giới. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm hiện vẫn còn nhiều rào cản về thông tin và văn hóa khi tiến vào thị trường Việt Nam. Họ có thể mất đến vài tháng để tìm cơ hội đầu tư phù hợp hoặc nguồn thông tin đáng tin cậy. YellowBlocks đang ở vị trí trung tâm của hệ sinh thái, kết nối, tư vấn cho những thành tố xung quanh, giúp họ khai thác các nguồn tài nguyên và mang đến những giải pháp cho các vấn đề vướng mắc.
Tháo dỡ rào cản
Bàn sâu hơn một chút, đang tồn tại những rào cản khá cụ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Câu chuyện đầu tiên có lẽ là vốn. Liệu có những khó khăn vào trong việc thu hút thêm dòng vốn?
Vấn đề chính là chất lượng. Như tôi vừa nói, các quỹ đầu tư đến Việt Nam sẽ ưu chuộng các startup đã vận hành thành công. Tuy nhiên, số này chưa nhiều và thường đã có sẵn những nhà đầu tư chiến lược. Trong khi đó, các startup non trẻ hơn có thể chưa đạt đến tiềm năng phát triển mà các nhà đầu tư mong chờ.
Trên thực tế, có trường hợp startup mong muốn được trình bày với các nhà đầu tư 30-45 phút, nhưng thật ra chỉ cần 2 phút thì ‘cá mập’ có thể nhìn ra bạn có phù hợp với gout của họ hay không. Khi bị từ chối, không có nghĩa là startup của bạn không tiềm năng mà chưa tiềm năng đến mức độ mong muốn của họ.
North Ridge Partners và YellowBlocks có những hỗ trợ gì để khơi thông thêm dòng vốn cho thị trường Việt Nam?
Ngoài ra, YellowBlocks cùng North Ridge Partners đang lên kế hoạch tổ chức các chuyến tham quan tìm hiểu đầu tư cho các nhà đầu tư quốc tế có ý định tìm cơ hội rót vốn vào Việt Nam. Đây là những chương trình được thiết kế chuyên biệt, chỉ dành cho người được mời với một nhóm nhỏ gồm 20-25 người. Trong chương trình, họ sẽ có cơ hội tìm hiểu và kết nối với các startup up công nghệ tiềm năng, được chúng tôi chọn lọc giới thiệu.
Ngoài vấn đề vốn, câu chuyện mâu thuẫn giữa các mô hình kinh doanh cũ và mới tại Việt Nam cũng dường như còn chưa có lời giải và dễ dẫn đến tranh cãi?
Lúc nào cũng sẽ tồn tại những mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới. Và chắc chắn không có lời giải nào cho việc giải quyết triệt để những mâu thuẫn đó. Điều quan trọng ở đây là xác định đúng "paint point" còn tồn tại trong mô hình truyền thống, nơi khách hàng còn cảm thấy thiếu thốn nhu cầu nhưng không được đáp ứng đầy đủ. Khi đó, mô hình kinh doanh mới sẽ giải quyết nhu cầu đó cho họ. Tuy nhiên, cách tiếp cận mới của startup phải thật sự mang lại nhiều hữu ích, tiện lợi đáng kể để người dùng cảm thấy xứng đáng đón nhận một giải pháp mới.
Chính phủ cũng đã vào cuộc nhiều hơn trong việc tháo dỡ các rào cản cho startup, hướng đến "quốc gia khởi nghiệp". Anh chị có nhìn nhận gì về điểm tích cực này?
Trong vòng ba năm trở lại đây, cộng đồng startup tại Việt Nam đã khởi sắc khi được chính quyền ưu đãi trong một số đề án như Đề án 844 và Nghị định 38/2018/NĐ-CP. Nhưng thực tế thì những tin vui này chưa trọn vẹn vì "đính kèm" với nó thường là những chính sách chưa rõ ràng và phải đi qua nhiều công đoạn giấy tờ. Sẽ rất khó khăn cho các startup trong việc đối mặt với những quy định này nếu không có sự hỗ trợ chuyên môn. Vì thế, cộng đồng startup đang rất cần một hệ thống tra cứu, hoặc một cổng thông tin pháp luật, dễ sử dụng và đáng tin cậy.
Đầu năm nay, Chính phủ Việt Nam đã công bố trong giai đoạn 10 năm 2021-2030, Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo sẽ là một trong ba trụ cột cốt lõi tạo nên giá trị cạnh tranh và đòn bẩy phát triển kinh tế của quốc gia. Tin rằng trong thời gian sắp tới, với sự ủng hộ từ Chính phủ, sự chủ động tham gia từ các doanh nghiệp, sự kết nối hợp tác của các cộng đồng trong hệ sinh thái công nghệ, khởi nghiệp tại Việt Nam, chúng ta sẽ được chứng kiến giai đoạn xuất hiện nhiều hơn những unicorn (kỳ lân), những startup ứng dụng công nghệ thành công.
Tuy nhiên, kỳ lân cũng chỉ là một trong những điểm để đánh giá độ trưởng thành của thị trường. Điều cần hơn cho thị trường Internet Việt Nam là sự phát triển toàn diện và đầy đủ ở những mặt nào?
Đông Nam Á là ngôi nhà mới của các Kỳ lân và khởi nghiệp công nghệ. Đặc biệt Việt Nam và Indonesia là hai thị trường bứt phá trong xu hướng phát triển nền kinh tế số so với các quốc gia còn lại trong khu vực.
Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới vào 30 năm trước nay trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Sự phát triển đột phá này cần sự chung tay của rất nhiều đơn vị trong hệ sinh thái, đặc biệt khi chính phủ Việt Nam chính thức công nhận rằng Khoa học, Công nghệ, Đổi mới Sáng tạo là một trong những trụ cột chính cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
YellowBlocks là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tư vấn và xây dựng hệ sinh thái công nghệ mới nổi, là chiếc cầu kết nối các nguồn lực, những sự hợp tác từ hơn 120 đối tác tại 40 quốc gia. Chúng tôi tin rằng việc mà mình đang không ngừng nghỉ mỗi ngày mang ý nghĩa vô cùng lớn đó chính là làm sao để mở ra nhiều cơ hội hơn để khai phóng tiềm năng của Việt Nam.