Cụ thể, tiền gửi của cá nhân tính đến cuối tháng 2 tăng lên 7,366 triệu tỉ đồng, tăng 178.000 tỉ đồng so với cuối tháng 1 và tăng 301.000 tỉ đồng so với cuối năm 2024. Như vậy, tốc độ tăng lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân so với cuối năm 2024 lên 4,26%.
Trong khi đó, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tiếp tục sụt giảm tháng thứ 2 liên tiếp khi giảm 71.000 tỉ đồng, nâng mức giảm trong 2 tháng đầu năm lên 305.000 tỉ đồng. Các tổ chức kinh tế hiện gửi tiền tại các ngân hàng còn 7,362 triệu tỉ đồng, giảm 3,98% so với cuối năm 2024. Như vậy, lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân vào cuối tháng 2 đã vượt tiền gửi của các tổ chức kinh tế.

Lượng tiền gửi cá nhân tháng 2 tăng
ẢNH; NGỌC THẮNG
Ngoài ra, tổng phương tiện thanh toán trong tháng 2 cũng đi xuống so với tháng 1 với số tiền 19.000 tỉ đồng, còn 18,157 triệu tỉ đồng. Tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán của tháng 2 còn 1,35% so với cuối năm 2024.
Trong tháng 2, các ngân hàng tăng lãi suất nhằm huy động vốn. Mức lãi suất huy động trên 6%/năm xuất hiện ở nhiều nhà băng. Lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 3 tháng dao động từ 3,5 - 4,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 4,8 - 5,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng từ 5,8 - 7,7%/năm…
Đến cuối tháng 2, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có yêu các ngân hàng giảm lãi suất huy động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Chính vì vậy, từ tháng 3 đến cuối tháng 4, hàng chục ngân hàng đã giảm lãi suất huy động từ 0,3 - 1%/năm tùy theo kỳ hạn. Bước qua tháng 5, mặt bằng lãi suất có nhích lên ở một số ngân hàng từ 0,1 - 0,3%/năm nhưng chưa tạo thành cuộc đua như thời điểm tháng 2.