Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Ipso với 21.000 người trưởng thành ở 29 quốc gia, trung bình có 52% quen thuộc với khái niệm metaverse. 50% số người được hỏi có cảm nhận tích cực về việc tham gia xu hướng này trong cuộc sống hàng ngày.
Khảo sát cũng nhận thấy, người dân ở nước đang phát triển có nhiều cảm xúc tích cực hơn về metaverse so với các nước giàu có. Trung Quốc, Ấn Độ, Peru, Arab Saudi và Colombia là năm quốc gia hàng đầu, chiếm 2/3 số người được hỏi, tin vào vũ trụ ảo. Trong đó, Trung Quốc có tỷ lệ cao nhất với 78%, tiếp theo là Ấn Độ 75% và Peru 74%.
Trong khi đó, tỷ lệ người không đặt niềm tin vào metaverse chủ yếu là ở các nước phát triển. Nhật Bản thấp nhất với chỉ 22% thể hiện cảm xúc tích cực cho vũ trụ ảo, tiếp theo là Anh 26%, Bỉ 30%, Canada 30%, Pháp 31% và Đức 31%.
Thổ Nhĩ Kỳ có tỷ lệ người biết về khái niệm metaverse cao nhất với 86%, tiếp theo là Ấn Độ (80%), Trung Quốc (73%) và Hàn Quốc (71%).
Người dân ở quốc gia đang phát triển cũng cho rằng metaverse sẽ thay đổi bộ mặt cuộc sống của họ. Những người được khảo sát tại Nam Phi, Trung Quốc và Ấn Độ đánh giá các lĩnh vực như học tập ảo, giải trí, xã hội hóa kỹ thuật số và thậm chí các ứng dụng như phẫu thuật từ xa cũng sẽ áp dụng VR/AR - hai công nghệ quan trọng trong metaverse. Tuy vậy, chỉ có số ít người tại Nhật Bản, Bỉ và Pháp tin như vậy.
Bên cạnh metaverse, một số khảo sát trước đó cũng cho thấy, các nước đang phát triển nhiệt tình hơn với tiền điện tử và blockchain. Theo báo cáo tháng 4 của sàn giao dịch tiền số Gemini, một nửa số người được hỏi ở Ấn Độ, Brazil và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã mua tiền điện tử lần đầu tiên trong đời vào năm 2021.