Mới đây, theo thông tin từ Báo Đầu tư, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận giao tập đoàn Vingroup và ngân hàng Techcombank lập báo cáo tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) tới Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP.
Theo đó, Liên danh Tập đoàn Vingroup–Ngân hàng Techcombank sẽ phải nộp đề xuất dự án cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh trước ngày 31/8. Cùng với đó, Vingroup và Techcombank có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện công tác lập, thẩm định trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận thì nhà đầu tư chịu mọi chi phí, rủi ro.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tuyến cao tốc đoạn Đắk Nông - Bình Phước có tổng chiều dài 212 km; trong đó, đoạn qua tỉnh Đắk Nông khoảng 110 km, qua Bình Phước 102 km.
Vingroup là doanh nghiệp lớn, được đánh giá là có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư dự án. Tập đoàn hiên jlaf chủ đầu tư của tuyến đường Vành đai 2 trên cao, đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở có tổng vốn khoảng 9.400 tỷ đồng. Đoạn tuyến này dự kiến hoàn thành vào năm 2023 và là đoạn cuối cùng để khép kín Vành đai 2.
Theo cáo cáo sử dụng vốn của Vingroup, tính đến cuối năm 2020, tập đoàn đã rót gần 6.500 tỷ đồng dự án đường vành đai 2 Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Ở phía Bắc, mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cùng đại diện các ngân hàng tài trợ vốn đã có buổi thoả thuận hợp tác đầu tư với hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn về hai dự án đường cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư đề xuất dự án. Nếu các phương án này được chấp thuận và được sự chấp thuận của Bộ GTVT thì 2 tỉnh sẽ tổ chức đấu thầu, chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Tuyến cao có tổng chiều dài 164 km với tổng mức đầu tư 23.187 tỷ đồng, trong đó, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, vốn đầu tư 10.013 tỷ đồng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 121 km, vốn đầu tư 13.174 tỷ đồng, được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức PPP.
Khi hoàn thành, thì các đoạn cao tốc này nối vào cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, nối liền một mạch từ Hà Nội - Cao Bằng (khoảng 315km), đặc biệt quan trọng là nối thông liền lạc với các cửa khẩu kinh tế quan trọng giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Đèo Cả là doanh nghiệp nổi tiếng với chuỗi công trình hầm quy mô lớn, đáng chú ý phải kể đến chuỗi các công trình hầm lớn nhất Đông Nam Á như hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân, hay các dự án cao tốc, cầu như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Cửa Lục tại Quảng Ninh. Đến nay, Đèo Cả đã đóng góp cho ngành giao thông vận tải với 25 km hầm đường bộ, gần 200 km đường cao tốc, quốc lộ và 6 cây cầu lớn.
Gần đây, liên danh 4 nhà đầu tư bao gồm Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (CIENCO6), Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons, Công ty TNHH Xây dựng- Thương mại Thuận Việt, Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Holdings cũng đã có văn bản đề nghị xin tham gia đầu tư cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo Báo Đầu tư, liên danh 4 nhà đầu tư cho biết đã nghiên cứu kỹ tính khả thi cũng như sắp xếp, chuẩn bị nguồn vốn để thực hiện Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để tham theo phương thức đầu tư PPP mà không phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng.
Theo đó, liên danh này cam kết sẽ thực hiện huy động nguồn vốn trong đó: vốn góp từ nguồn vốn chủ sở hữu của các thành viên trong liên danh chiếm tỷ lệ 40% (khoảng 5.200 tỷ đồng); nguồn vốn huy động từ ngân hàng 30% (khoảng 3.000 tỷ đồng); nguồn vốn huy động bằng hình thức trái phiếu dự án từ những đối tác tiềm năng 30% (khoảng 3.000 tỷ đồng). Liên danh cũng cam kết triển khai hoàn thành Dự án đúng tiến độ, đưa vào khai thác trong năm 2025.
Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có tổng mức đầu tư giai đoạn I khoảng 17.837 tỷ đồng bao gồm: chi phí xây dựng, thiết bị: 8.306 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác: 997 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư: 6.629 tỷ đồng; chi phí dự phòng: 1.905 tỷ đồng.
CIENCO6 và Coteccons là hai nhà thầu từng tham gia khá nhiều dự án hạ tầng giao thông, cụ thể CIENCO6 là nhà đầu tư đã từng thi công hàng loạt công trình lớn, thậm chí là đầu tiên ở Việt Nam như cầu Mỹ Thuận (cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam), hầm đường bộ Hải Vân (hầm đường bộ đầu tiên và lớn nhất khu vực), đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, cầu Thuận Phước - Đà Nẵng,...
Hai doanh nghiệp khác cũng vừa nhập cuộc chơi làm đường cao tốc là liên danh nhà đầu tư là Tập đoàn T&T – Công ty cổ phần Tập đoàn Phương Trang đề xuất xây dựng cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thức PPP.
Dự án có điểm đầu tại Km 126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Lâm Đồng, điểm cuối tại Km 200, giao với đường cao tốc Liên Khương, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 là 12.532 tỷ đồng; tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 2 là 5.420 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, vốn Nhà nước tham gia vào Dự án khoảng 4.000 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động 8,532 tỷ đồng (chiếm 68,1% tổng mức đầu tư giai đoạn 1). Nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2 sẽ do nhà đầu tư huy động toàn bộ.