Một trong số giải pháp đó là phải rà soát chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp.
Đồng thời, quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.
Thực tế không phải đến hiện tại, vấn đề đánh thuế bất động sản mới nóng. Trước đó, liên quan bài toán đánh thuế bất động sản, dư luận đã có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Đổi mới Sáng tạo, Trường Đại học Kinh Tế TP.HCM nhấn mạnh, việc phát triển bền vững là yếu tố căn cơ để đưa ra mức thuế của bất động sản.
Theo đó, mỗi quốc gia đều có một quy định về thuế bất động sản khác nhau, hoặc đánh thuế bất động sản rất cao đi kèm với các loại thuế liên quan đến nhà đất, hoặc không đánh thuế bất động sản mà chỉ đánh thuế trước bạ và thuế trên thặng dư vốn…
Ví như ở Anh, thị trường hơn 30 lần khủng hoảng về giá, họ có những mức thuế đánh dựa trên giá trị tài sản, từng bậc giá có từng mức thuế khác nhau. Thuế còn tính dựa trên quá trình khai thác tài sản đó. Khi mua căn nhà thứ 2 họ cũng đánh thuế cao hơn căn nhà thứ nhất tới 3 - 5 lần. Tại Pháp, đánh thuế bất động sản với cả chủ nhà và người đi thuê.
Tại Hàn Quốc, có sự phân chia các loại hình bất động sản khác nhau sẽ có mức thuế khác nhau ví như thuế bất động sản nghỉ dưỡng, nhà to, nhà nhỏ đều có mức thuế khác nhau… Ví dụ nếu dùng đất kinh doanh cho những hoạt động xa xỉ như xây sân golf hay khu nghỉ dưỡng hạng sang sẽ phải chịu 4%, trong khi với nhà ở thông thường chỉ là 0,1 - 0,4%. Singapore đánh thuế cao với tài sản thứ 2 và lũy tiến tăng dần với các tài sản tiếp theo khoảng 7 - 8%…
Như vậy, ở các quốc gia này khi sở hữu và sử dụng bất động sản đều sẽ chịu những mức thuế khác nhau và phần lớn các quốc gia đều xem trọng yếu tố khai thác tối ưu giá trị của tài sản.
Theo ông Nghĩa: "Người nước ngoài và người Việt đang ngày càng có nhu cầu sở hữu bất động sản cao hơn. Đã đến lúc cần xem xét lại việc tối ưu giá trị để tạo ra giá trị và đương nhiên tạo ra giá trị thì phải đánh thuế. Đó là nguyên tắc cơ bản để tư duy về thuế".
Còn theo TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, việc áp dụng đánh thuế bất động sản giúp bảo đảm quyền sở hữu cho người mua bất động sản, an toàn và sinh lời trên bất động sản đó. Ông Hiển chỉ ra rằng, một người làm sản xuất thông thường chịu nhiều khoản phí. Tóm lại họ vừa bị sức ép cạnh tranh thị trường vừa chịu rất nhiều sắc thuế phí.
Ông Hiển cho rằng, khi toàn dân nộp thuế này sẽ giúp Nhà nước có kinh phí cho các hoạt động an ninh quốc phòng, công an, chính quyền địa phương… góp phần phát triển kinh tế quốc gia, kinh tế địa phương và giúp giá bất động sản tăng.
Vì thế, nếu chính quyền địa phương có nguồn thu thuế, quản lý giỏi, phát triển hạ tầng tốt sẽ khiến ai cũng muốn sở hữu bất động sản, giúp những bất động sản này được hưởng lợi nhiều hơn.
Ông Hiển đề xuất phương án tính thuế, đó là hàng năm, nộp thuế bất động sản tính theo thời điểm giá trị của bất động sản đó. Người càng có nhiều bất động sản thì càng phải nộp thuế nhiều. Việc áp dụng thuế bất động sản là điều hiển nhiên phải được thực hiện chứ không phải áp dụng thuế chỉ để chống đầu cơ bất động sản, giảm giá nhà xuống như mọi người nghĩ.
Đối với một mảnh đất quy hoạch làm biệt thự từ 1 - 2 tầng không làm phá vỡ cảnh quan, không làm tăng độ nén xây dựng, mật độ dân số thì nộp thuế tính theo diện tích sẽ thấp. Nhưng nếu cùng mảnh đất đó mà khai thác xây dựng trung tâm thương mại, tòa văn phòng… với mật độ xây dựng lớn được Nhà nước cấp phép thì sẽ phải thu thuế cao hơn.