Tài chính

Lạm phát là mối lo ngại hàng đầu của ngành ngân hàng năm 2022

Lạm phát là mối lo ngại hàng đầu của ngành ngân hàng năm 2022

Theo kết quả khảo sát của mới đây CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), các chuyên gia và ngân hàng đã chỉ ra 5 thách thức lớn nhất cho tăng trưởng ngành ngân hàng trong năm 2022 đều có xu hướng gia tăng trong đó mối lo ngại hàng đầu là rủi ro lạm phát.

Điều này xuất phát từ bối cảnh lạm phát tại các nền kinh tế lớn trên thế giới đang ở mức cao kỷ lục buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất. Tại Việt Nam, Chính phủ đã thực hiện tốt việc kiềm chế lạm phát (qua việc quản lý giá đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu) hơn là theo đuổi chính sách lạm phát mục tiêu.  

Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,25%) so với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% thì hiện tại dư địa không còn nhiều.

 

Ngoài lạm phát, các rủi ro được kể đến gồm nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống; thể chế  pháp luật chưa hoàn thiện với các mô hình kinh doanh mới;  sự cạnh tranh trong các dự án chuyển đổi số và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ và rủi ro công nghệ, tội phạm tài chính gia tăng.

Thống kê cho thấy, nợ xấu đang có xu hướng tăng khá mạnh. Sức ảnh hưởng của đại dịch lên bảng cân đối kế toán của nhà băng được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài khi doanh nghiệp chưa thể phục hồi và những khoản nợ sau khi được tạo điều kiện cơ cấu lại đang xếp ở nợ nhóm 1 và 2 nhưng vẫn không thể cải thiện sẽ buộc hệ thống phải chính thức ghi nhận là nợ xấu, đặc biệt là sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022.

Từ cuối năm trước, phần lớn các ngân hàng đã tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro để giúp cải thiện chất lượng tài sản cũng như “dự phòng” lợi nhuận cho năm nay. Có tới 45,5% số ngân hàng khảo sát dự kiến tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro, 36,4% ngân hàng duy trì mức trích lập dự phòng rủi ro như năm trước và chỉ có 18,2% giảm trích lập dự phòng rủi ro.

Bên cạnh đó, theo báo cáo, các ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro vỡ nợ chéo do một lượng lớn trái phiếu bất động sản của các doanh nghiệp chưa niêm yết nằm trong nhóm nợ nghi ngờ.  

Theo số liệu từ FiinResearch, áp lực trả nợ đối với trái phiếu đáo hạn trong vòng 3 năm tới của các doanh nghiệp bất động sản là rất lớn. Điều này có thể gây ra rủi ro thanh khoản của các đại lý phân phối có cam kết mua lại trái phiếu, đặc biệt là ngân hàng, nhóm nắm giữ phần lớn trái phiếu BĐS.

Các ngân hàng có thể được nới room vào cuối quý III 

Báo cáo phân tích của Vietnam Report nhận định ngành ngân hàng Việt có triển vọng tích cực trong nửa cuối năm 2022 nhờ động lực từ tăng trưởng tín dụng.

Theo các chuyên gia và ngân hàng tham gia khảo sát của Vietnam Report, tăng trưởng tín dụng năm 2022 dự báo có thể đạt mức trên 14% với cho vay bán lẻ tiếp tục là động lực chính. Tính đến 9/6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã tăng gần 8,2% so với thời điểm đầu năm và 17,1% so với cùng kỳ 2021.

Các chuyên gia đều nhận định rằng câu chuyện của ngành ngân hàng năm nay chính là câu chuyện về chính sách.

Theo số liệu cập nhật của NHNN, tính đến tháng 6/2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 8,15% so với cuối năm 2021. Dù còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% nhưng nhiều ngân hàng ngay từ hồi cuối tháng 5 đã đồng loạt xin được cấp thêm hạn mức (room) tín dụng 

Vietnam Report dự báo Ngân hàng nhà nước (NHNN) có thể sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào cuối quý III/2022 phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng. Thêm nữa, chính sách siết tín dụng vào mua bán bất động sản hình thành trong tương lai, hạn chế cho vay mua vàng miếng và đảo nợ,… cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của ngành.  

Ngoài ra, các chuyên gia đánh giá cho vay tiêu dùng ở Việt Nam hiện còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực, điều này cho thấy dư địa tăng trưởng rất lớn.

Báo cáo cũng cho rằng thu nhập ngoài lãi sẽ là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận khi thu nhập từ lãi của các ngân hàng trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn bởi chính sách quản trị rủi ro nghiêm ngặt. Trong đó, thu nhập từ phí và hoa hồng tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2018-2021 đạt 28,3%.

Hai nhân tố đóng góp chính vào mức tăng trưởng này chính là doanh thu bancassurance và phí dịch vụ thẻ. Năm 2021, khoản phí thu được từ bancassurance trung bình đóng góp khoảng 31% vào tổng thu nhập phí và hoa hồng. Vì vậy, các chuyên gia kỳ vọng thu nhập ngoài lãi tiếp tục tăng trong ngắn hạn và trung hạn.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm