Thông tin từ Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, tính đến tháng 11/2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp toàn thành phố đã tuyển sinh và đào tạo cho hơn 245.000 lượt người. Số học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp là 193.784 người.
Đáng chú ý, tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100%. Trong đó, ngành công nghệ sơn ô tô cũng thuộc top những ngành có việc làm tuyệt đối. Đây là một điều không quá khó hiểu, bởi lĩnh vực công nghệ ô tô tại Việt Nam được cho là đang phát triển mạnh mẽ. Điều đó thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành này từ các nhà cung cấp dịch vụ ô tô ngày càng cao.
Công nghệ sơn ô tô học gì?
Nghề sơn ô tô bắt đầu với những công việc cơ bản như chà nhám, bả matit, pha sơn, phun sơn chi tiết nhỏ. Sau một thời gian, thợ sơn có thể phun màu cho nguyên xe, pha chỉnh màu sơn,…
Chương trình học nghề sơn ô tô được thiết kế từ căn bản đến chuyên sâu, với thời lượng thực hành và trực tiếp ở doanh nghiệp chiếm đa số thời gian. Nội dung học bao gồm kiến thức khái quát ngành sơn ô tô, an toàn lao động, phương pháp chuẩn bị bề mặt, phương pháp che chắn, kỹ thuật sử dụng súng phun sơn, kỹ thuật pha chỉnh màu, các phương pháp phun sơn, phương pháp đánh bóng, các lỗi sơn thường gặp...
Chẳng hạn, chương trình học Công nghệ Sơn ô tô - đầu ra chuyên ngành của Ngành công nghệ Kỹ thuật Hóa học của một trường Cao đẳng bao gồm:
AN TOÀN LAO ĐỘNG VÀ 5S (50%/cơ bản): Một kỹ thuật viên trong dây chuyền Sơn ô tô hoặc làm việc với hóa chất ngành sơn cần hiểu và thực hiện được các nguyên tắc an toàn lao động và 5S từ đó có hành động đúng để tham gia sản xuất an toàn.
KỸ THUẬT XÉT NGHIỆM (50%/cơ bản): Trong các quy trình Sơn và tạo màu, các kỹ thuật xét nghiệm bao gồm kỹ thuật soi màu, kiểm tra bề mặt... là phương thức đảm bảo về chất lượng, độ bền, màu sắc của sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.
THỰC HÀNH QC (25%/nâng cao): Bước thực hành QC đảm bảo việc các sinh viên thực hiện thành thạo công tác của một QC trong nhà máy sản xuất sản phẩm trong dây chuyền Công nghệ ô tô. Giúp SV đảm nhận được vị trí QC trong dây chuyền.
THỰC TẬP SẢN XUẤT (25%/nâng cao): Tham gia trực tiếp vào quy trình sản xuất thực tế là bước nắm bắt công việc và áp dụng kiến thức vào thực tiễn các bước làm việc và sản xuất trong nhà máy hoặc trong các Gara phục hồi thân vỏ ô tô.
Học viên ngành Công nghệ sơn ô tô có kiến thức và kỹ năng trình độ vững vàng có thể làm thợ hoặc làm kỹ thuật viên tại xưởng sơn ôtô, trạm bảo trì ô tô của những hãng xe ô tô lớn.
Lương cao nhưng sợ... độc hại
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Giao thông vận tải Trung ương III từng cho biết: "Đồng sơn ô tô chiếm trên 70% khối lượng công việc của các trung tâm sửa chữa ô tô. Các doanh nghiệp về dịch vụ ô tô đang cần tuyển rất nhiều nhân lực lĩnh vực sơn sửa ô tô, tuy nhiên nghề này vẫn chưa có tên trong danh mục các ngành nghề đào tạo.
Một tin tuyển dụng thợ sơn dịp cuối năm.
Ở một số trường, sơn ô tô chỉ là một mô-đun nằm trong ngành công nghệ ô tô. Do nhu cầu quá lớn, trường chúng tôi đã đưa vào thành chương trình đào tạo ngắn hạn từ 3-6 tháng cho những em có đam mê nghề sơn ô tô. Các em học xong đều có công việc ngay với mức thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng".
Nghề sơn ô tô lâu nay cũng ít người theo học một phần là do nhận thức đây là một nghề độc hại. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, thiết bị bảo hộ hiên đại, đặc biệt là sơn gốc nước đã giảm đáng kể sự độc hại của dung môi đến thợ sơn.
Nếu bạn sử dụng đúng theo quy định lao động thì sự độc hại của sơn cũng giống như tất cả các ngành nghề khác có thể mang đến cho cơ thể.
Một số địa chỉ để theo học nghề Công nghệ sơn ô tô: Trường CĐ Giao thông vận tải Trung ương III; Trường trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương; Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Cao Thắng; Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế... hoặc các trung tâm dạy nghề trên toàn quốc.