Hiện đang là sinh viên đại học năm 3, Tiểu Tuân (quê Trùng Khánh, Trung Quốc) rất bận rộn với thời gian biểu và công việc làm thêm của mình. Sinh ra trong một gia đình có điều kiện không mấy khá giả, hầu như toàn bộ chi phí sinh hoạt đều một mình cậu tự lo liệu. Cùng với người cha già ở quê đang mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, ngoài thời gian học, Tiểu Tuân nhận làm thêm 3 công việc làm thêm theo giờ khác, để có thêm tiền gửi về cho gia đình. Có lẽ bởi lịch làm việc căng thẳng, nên Tiểu Tuân dùng tới thuốc lá - để giúp đầu óc thêm tỉnh táo trong những ca làm việc đêm. Theo lời bác sĩ, đây chính là một trong số những thủ phạm gây bệnh cho Tiểu Tuân.
Nói về căn bệnh này, thời gian gần đây, cân nặng của Tiểu Tuân sụt giảm nghiêm trọng. Thời gian đầu, cậu nghĩ có lẽ do làm việc quá nhiều, cơ thể mệt mỏi nên ăn uống không điều độ. Cùng với đó, trên khoang miệng và lưỡi của Tiểu Tuân xuất hiện những nốt nhiệt kéo dài mãi không khỏi. Còn nghĩ con trai bị nóng trong người, mẹ Tiểu Tuân gửi thuốc lá từ quê Trùng Khánh lên Bắc Kinh cho cậu uống. Thế nhưng, các nốt nhiệt vẫn không giảm. Chỉ tới khi một lần cậu bị ngất xỉu ngay giữa khu vực bếp của quán ăn đang làm thêm, Tiểu Tuân mới được đưa đi cấp cứu. Tại đây, bác sĩ đưa ra kết luận: Tiểu Tuân bị ung thư khoang miệng. Điều này khiến cậu vô cùng suy sụp và đau khổ.
Theo bác sĩ Tống, ung thư khoang miệng đang là vấn đề sức khỏe toàn cầu với tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong ngày càng tăng và là một trong 10 ung thư phổ biến nhất. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao vì khoảng 53% bệnh nhân ung thư khoang miệng có biểu hiện bệnh lan tràn tại vùng hoặc di căn xa tại thời điểm chẩn đoán. Tiểu Tuân là trường hợp hiếm khi mắc căn bệnh ung thư khoang miệng khi tuổi đời còn rất trẻ như hiện tại. Chính thói quen hút thuốc lá, cùng với lịch sinh hoạt đảo lộn mỗi ngày, thức khuya, làm việc quá sức khiến căn bệnh này gõ cửa tới cậu sinh viên 21 tuổi.
(Ảnh minh hoạ: Best Health)
Các nguyên nhân gây bệnh
Thói quen sống không lành mạnh:
Hút thuốc lá và uống rượu: Thuốc lá có liên quan đến hầu hết các ung thư khoang miệng ở nam và hơn nửa số ung thư khoang miệng ở nữ. Chỉ có khoảng 2-10% bệnh nhân ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên không hút thuốc lá. Mọi hình thức sử dụng thuốc lá đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng (dạng xì gà, tẩu, thuốc lá dạng nhai (chewing), thuốc lá dạng hít (snuff) và hút thuốc lá ngược đầu). Xì gà, hút tẩu có nguy cơ mắc ung thư khoang miệng cao hơn thuốc lá thông thường, hút tẩu còn làm tăng nguy cơ ung thư môi. Rượu: Uống rượu cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư khoang miệng. Chỉ có dưới 3% bệnh nhân ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên không uống rượu. Rượu và thuốc lá có tác dụng hiệp đồng với nhau. Một yếu tố đơn độc làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên 2-3 lần, nhưng khi kết hợp lại, chúng có thể tăng gấp 15 lần.,
Ngoài ra, răng lệch lạc, vệ sinh răng miệng kém... gây nên những tổn thương cơ học trong khoang miệng, tạo điều kiện thuận lợi cho ung thư phát triển.
Do bệnh tật:
Nhiễm virus Herpes, HPV (Human Papilloma Virus), hội chứng Xeroderma pigmentosum, thiếu máu, hội chứng Fanconi...; Các tổn thương tiền ung thư khác trong khoang miệng như bạch sản, hồng sản, viêm nấm candida quá sản mạn tính, các vết loét do sang chấn liên tục kéo dài...
Đừng chủ quan với những vết loét miệng (Ảnh: Pinterest)
Dấu hiệu nhận biết
Các triệu chứng của ung thư khoang miệng ở giai đoạn sớm không rõ ràng và thường có biểu hiện khi khối u đã xâm lấn rộng và đôi khi ở giai đoạn muộn.
- Ở giai đoạn sớm:
+ Cảm giác vướng trong khoang miệng, có thể kèm theo nuốt đau.
+ Tăng tiết nước bọt, đôi khi có máu
+ Nói khó, nhức đầu, đau âm ỉ, thường ở một bên, đau lan lên tai.
Nhiều trường hợp phát hiện ung thư khoang miệng tình cờ khi đi khám một bệnh lí khác mà không có triệu chứng lâm sàng.
- Ở giai đoạn muộn người bệnh ung thư khoang miệng có biểu hiện:
+ Nhức đầu liên tục có lúc dữ dội, đau nhói lên tai.
+ Nói khó và đau, khạc ra đờm lẫn máu và có mùi hôi.
+ Nổi hạch cổ. Khi khám có hình ảnh tổn thương dạng nụ sùi, loét, hoặc vừa sùi vừa loét, dễ chảy máu, đau khi thăm khám chạm vào tổn thương, bờ không đều và thâm nhiễm cứng.
Cách phòng tránh, ngăn ngừa ung thư khoang miệng
Để dự phòng ung thư nói chung, ung thư khoang miệng nói riêng, cần phòng và giảm các yếu tố nguy cơ như:
Vệ sinh răng miệng đúng cách
Không hút thuốc lá, bia rượu
Tránh xa yếu tố môi trường hóa chất, khói bụi.
Cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với hoạt động thể dục thể thao giúp cho cơ thể tăng sức miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bệnh tật.
Để tăng cường sức khỏe và ngừa nguy cơ ung thư cần tăng cường ăn nhiều loại trái cây và rau quả. Các vitamin và chất chống oxy hóa chứa trong các loại thực phẩm có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư khoang miệng.
Cần khám chuyên khoa định kỳ 6 tháng/lần kiểm tra vùng răng miệng.