Tài chính

Bất động sản trên đà “được cứu”, nhiều chính sách khắt khe có thể sắp được nơi này nới lỏng?

Theo những nguồn thạo tin, điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra sau khi cơ quan hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết họ sẽ tìm cách xoay chuyển nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào năm 2023.

Các nguồn tin giấu tên cho biết, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên, nơi các nhà hoạch định chính sách thảo luận về mục tiêu của năm tới, bao gồm GDP và thâm hụt ngân sách, sẽ bắt đầu khai mạc vào 15/12.

Trong cuộc họp lần này, nhà chức trách Trung Quốc có thể sẽ hạ bớt quyết tâm thực hiện mục tiêu “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”. Đây là cụm từ mà nhiều quan chức Chính phủ Trung Quốc sử dụng liên tục kể từ năm 2016 để biểu thị quyết tâm kiềm chế đầu cơ ở lĩnh vực bất động sản, kiềm chế đà phi mã của giá nhà cũng như kiềm chế rủi ro nợ và giảm nguồn cung dư thừa ở các thành phố cấp thấp hơn.

Với điều này, nguồn tin nói rằng nhà chức trách Trung Quốc sẽ tìm cách để ngăn chặn đà rơi của thị trường bất động sản và giúp ngành này khôi phục trở lại. Trong trường hợp này, nhà chức trách Trung Quốc có thể khẳng định mục tiêu của họ đã đạt được và trọng tâm trong năm tới chính là thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các nguồn tin không thể chắc chắn về nhận định này, nhất là khi các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra và mọi điều đều có thể thay đổi.

Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên, với sự tham gia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, diễn ra sau cuộc họp ngày 6/12 của Bộ Chính trị Trung Quốc. Trong cuộc họp vừa qua, các nhà hoạch định chính sách cho biết họ sẽ thúc đẩy “sự cải thiện tổng thể” của nền kinh tế trong năm tới. Cụm từ “nhà là để ở, không phải để đầu cơ” không xuất hiện trong tuyên bố của cuộc họp. Một số nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu của sự nới lỏng các quy định với lĩnh bất động sản Trung Quốc.

Các nhà kinh tế của Morgan Stanley nhận định: “Chúng tôi kỳ vọng việc nới lỏng chính sách sẽ tạo được lực kéo tốt hơn nhiều vào năm 2023 trong bối cảnh các quy định về Covid-19 và bất động sản được xoay trục”.

Trước đó, nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện những bước đi quan trọng để đưa nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trở lại gần hơn với bình thường, trong đó có việc nới lỏng các quy định phòng dịch và đưa ra các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn thị trường bất động sản lao dốc.

Chứng khoán Trung Quốc đã phục hồi trong những tuần qua, đẩy chỉ số của các doanh nghiệp Trung Quốc trên Hang Seng tăng 35% từ mức thấp nhất vào cuối tháng 10.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng đã được nhiều quốc gia coi là cơ hội. Không chỉ là thị trường 1,4 tỷ dân, Trung Quốc còn được biết tới trong vai trò là công xưởng của thế giới. Tuy nhiên, việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tái mở cửa cũng có thể khiến giá nhiều loại hàng hóa tăng cao, trong đó có dầu mỏ.

Hiện tại, châu Âu đã quyết định áp giá trần với dầu mỏ Nga và Moscow tuyên bố sẽ không bán dầu cho những nước làm điều đó, dẫn tới việc Nga phải giảm sản lượng khi không tìm được người mua thay thế. Việc Nga giảm sản lượng khai thác khi Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ trở thành rủi ro lớn với giá dầu toàn cầu.

Tham khảo: Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm