Ngày 8/12, chị Hà 35 tuổi, trú quận 2, cho biết chị đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1, được chẩn đoán thiếu máu, thiếu sắt, bác sĩ kê đơn uống bổ sung trong vòng một tháng. Sau khi hỏi về tình trạng ăn uống của trẻ, bác sĩ nhận định việc gia đình cho uống quá nhiều sữa khiến bé biếng ăn, dẫn đến thiếu chất.
Chị Hà kể hầu hết bữa tối bé đều đòi uống sữa, không chịu ăn cơm và hoa quả. Thói quen này kéo dài trong hơn một năm từ khi chị gửi con cho ông bà nuôi nấng.
Trường hợp lạm dụng sữa dẫn đến trẻ biếng ăn và thiếu máu, thiếu sắt như con trai chị Hà không phải hiếm. Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, từng làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, vẫn luôn trăn trở khi nhớ lại một ca bệnh mà anh điều trị thất bại.
6 tháng trước, em bé này được đưa đến trong tình trạng thiếu máu, thiếu sắt do thói quen uống 1,5 lít sữa tươi mỗi ngày và không có khả năng ăn thô dù đã 5 tuổi. Nửa năm ròng rã tư vấn, hướng dẫn gia đình thực hiện kỷ luật bàn ăn, giảm sữa xuống 500 ml/ngày, bổ sung sắt liều cao... nhưng bé vẫn thiếu máu, thiếu sắt. Bác sĩ nghi ngờ nên hỏi lại người mẹ "đã thật sự thực hiện kỷ luật bàn ăn với bé chưa, mẹ vẫn khăng khăng là có". Tuy nhiên, hỏi người bố, bác sĩ Sang phát hiện người mẹ vẫn cho trẻ uống 6-7 hộp sữa một ngày vì cho rằng bé đã được uống thuốc bổ sung sắt đầy đủ.
"Ngày nào mẹ không thay đổi, ngày đó bác sĩ không giúp gì được cho bé", bác sĩ Sang nói, thêm rằng nhiều phụ huynh có thói quen lạm dụng sữa, lạm dụng thuốc bổ nhưng lại không chú trọng đến việc phát triển cân nặng và tâm sinh lý của trẻ một cách tự nhiên và khoa học.
Cùng quan điểm, bác sĩ Đinh Hoàng Vũ, Khoa Hồi sức - Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, nhận định sữa là nguồn thức ăn chính của bé dưới một tuổi. Tuy nhiên, sau đó, bé nên dần chuyển từ uống sữa sang ăn thức ăn. Lúc này vai trò của sữa giảm xuống, chỉ là một nguồn cung cấp canxi và năng lượng. Nhưng thực tế, nhiều phụ huynh chưa có kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ, không tập được cho con thói quen ăn uống đa dạng, do đó trẻ chủ yếu dựa vào sữa.
"Một số bé uống nhiều sữa trông bụ bẫm nên gia đình lầm tưởng bé khỏe mạnh, tiếp tục cho con uống 1-2 lít mỗi ngày, thay vì ăn dặm. Đến lúc đi khám mới tá hỏa vì con thiếu máu, thiếu sắt", bác sĩ Vũ nói.
Chế độ ăn phụ thuộc vào sữa sẽ khiến trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng, thấp còi và mắc các bệnh nhiễm trùng, các bệnh do virus. Ngoài ra, trẻ hay mệt mỏi, hay ngáp vặt, buồn ngủ, thiếu tập trung, dễ cáu gắt.
Số liệu của cuộc Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020 cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là hơn 19%; 58% thiếu kẽm. Bác sĩ Lê Thị Hải, Chủ tịch Chi hội Dinh dưỡng Nhi khoa Việt Nam, cho biết tỷ lệ thiếu sắt ở trẻ em Việt Nam vẫn ở mức cao.
"Kẽm và sắt có nhiều thực phẩm như thịt bò, trứng, thủy hải sản như hàu, sò, ghẹ, và một số loại rau lá xanh..., nhưng theo nghiên cứu của cuộc điều tra đinh dưỡng Đông Nam Á (Seanuts), bữa ăn hàng ngày của trẻ em Việt Nam thiếu đến 50% nhu cầu vi chất điển hình là kẽm và sắt", bà Hải nói, thêm rằng trong chế độ ăn hằng ngày, cơ thể chỉ hấp thu được 5-15% lượng sắt và 10-30% kẽm của thực phẩm.
Vì vậy, để trẻ không bị thiếu hai vi chất này, phụ huynh cần thường xuyên cung cấp sắt và kẽm trong bữa ăn hằng ngày. Chủ động bổ sung dự phòng cho bé dưới dạng vi chất uống để tránh thiếu hụt sắt kẽm kéo dài ảnh hưởng đến tốc độ phát triển.
Ngoài ra, nếu trẻ bị ốm, chậm lớn và biếng ăn, gia đình nên chủ động cho con sử dụng thực phẩm bổ sung sắt và kẽm. Mọi người nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để lựa được các sản phẩm có hàm lượng đủ, không dư thừa.
Còn bác sĩ Sang khuyên trẻ từ 12 tháng tuổi chỉ nên uống 500 ml sữa một ngày, ngồi vào bàn ăn cùng người lớn để rèn luyện phản xạ cầm nắm, xử lý thức ăn thô, cũng như gắn kết cùng gia đình, không bị lệ thuộc vào thiết bị điện tử... Đồng thời trẻ nên xổ giun định kỳ và bổ sung vitamin D3 mỗi ngày.