Thay đổi này được phát hiện vào khoảng 1h sáng (giờ Hà Nội). Khi truy cập truy cập Twitter trên trình duyệt web, người dùng sẽ thấy biểu tượng chú chim xanh đặc trưng của mạng xã hội này được chuyển thành biểu tượng chú chó Shiba Inu, giống trong logo của Dogecoin.
Tương tự những lần Musk đăng tweet về Doge, giá của tiền điện tử này biến động mạnh. Từ mức 0,077 USD, Doge tăng lên 0,097 USD sau 30 phút, tương đương hơn 25%. Đây cũng là mức giá cao nhất mà tiền điện tử này đạt được trong bốn tháng qua, theo số liệu từ CoinMarketCap. Vốn hóa của Doge từ hơn 10 tỷ USD, tăng lên mức hơn 13 tỷ USD, vượt qua Polygon để trở thành tiền điện tử lớn thứ tám trên thế giới sau ít phút.
Musk chưa đưa ra bình luận nào về việc thay đổi này, ngoài việc đăng một bức ảnh chế, thể hiện chú chim xanh chỉ là một bức ảnh cũ của chú chó.
Theo các nhà phân tích, đây có thể là phản ứng của ông chủ Twitter trước các cáo buộc liên quan đến việc thổi giá đồng Doge. Tuần trước, Musk bị một số nhà đầu tư đâm đơn kiện vì tạo ra mô hình đa cấp để lừa nhiều người mua Dogecoin.
Đáp lại, nhóm luật sự của tỷ phú gọi vụ kiện này là "tác phẩm hư cấu". Những dòng tweet như "Dogecoin Rulz" hay "Doge muôn năm" của CEO Twitter được cho là vô thưởng vô phạt, không thể tác động đến thị trường. "Không có gì bất hợp pháp khi đăng lời ủng hộ trên Twitter hoặc chia sẻ vài bức ảnh vui về một loại tiền số có vốn hóa thị trường gần 10 tỷ USD. Tòa nên chấm dứt sự tưởng tượng của nguyên đơn và bác bỏ khiếu nại", các luật sư của Musk viết.
Trang TechCrunch gọi việc đổi logo Twitter của Musk giống như "một trò đùa Cá tháng Tư muộn", và ví đây như cách làm của một đứa trẻ 13 tuổi, nhưng đến từ một người đàn ông 51 tuổi. Theo trang này, việc đổi logo trong ứng dụng không phải là điều quá mới mẻ, nhưng hành động này của Musk có thể ảnh hưởng mạnh lên đồng Doge.
Các chuyên gia đánh giá cách làm này của nhà sáng lập Tesla và SpaceX có thể phản tác dụng, khi ông đang thể hiện việc mình có thể tác động lớn lên giá của tiền điện tử bằng các hành động trên mạng xã hội. Họ cũng không loại trừ khả năng đây là chiêu bơm-xả của Musk để có tiền bù đắp cách chi phí trong việc vận hành Twitter.