Theo Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) ngày 31/3, Micron Technology bị điều tra là để "bảo vệ an ninh chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng", cũng như "ngăn ngừa rủi ro an ninh không gian mạng từ các sản phẩm có vấn đề".
Một ngày sau, Micron cho biết "đang liên lạc với CAC và sẽ hợp tác đầy đủ". Công ty cũng khẳng định hoạt động kinh doanh của họ luôn bảo đảm tính liêm chính và bảo mật.
Cuộc điều tra diễn ra trong bối cảnh tình Mỹ tìm cách siết mảng bán dẫn của Trung Quốc, đồng thời vận động các nước như Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc làm điều tương tự. "Đó có thể là cách Trung Quốc gửi tín hiệu cảnh báo tới các nước láng giềng như Nhật Bản hay Hàn Quốc, những bên bắt đầu có động thái hạn chế bán dẫn Trung Quốc", nhà phân tích Wang Lifu của công ty nghiên cứu chất bán dẫn ICwise nói với SCMP.
Theo Lifu, Hàn Quốc có thể sẽ chú ý nhiều hơn đến đánh giá an ninh mạng của CAC đối với Micron. Một số công ty chip của nước này đang hoạt động ở Trung Quốc như Samsung, HK Hynix có thể cũng bị đưa vào tầm ngắm nếu nghiêng về phía Mỹ.
Trước Micron, Trung Quốc chưa có động thái nghiêm khắc nào trong việc đáp trả các lệnh cấm từ Mỹ. Theo Gerard DiPippo, thành viên cấp cao của Chương trình Kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cuộc điều tra có thể nhằm mục đích gây áp lực buộc Mỹ và các đồng minh phải giảm nhẹ biện pháp kiểm soát xuất khẩu.
Micron được cho là nằm trong nhóm các công ty bán dẫn tăng chi tiêu cho hoạt động vận động hành lang kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành Đạo luật CHIPS và Khoa học vào tháng 8/2022. Cuối năm ngoái, Micron cũng đóng cửa trung tâm thiết kế chip ở Thượng Hải, đồng thời chuyển 150 kỹ sư đang làm việc tại đây về Mỹ hoặc sang Ấn Độ.
So với các công ty khác như Nvidia hay ASML, Micron được đánh giá là có vai trò không lớn bằng. Thực tế, các sản phẩm của Micron có thể dễ dàng thay thế ở Trung Quốc bởi YMTC, Samsung hay SK Hynix.
Nhà phân tích Abhinav Davuluri của hãng dịch vụ tài chính Morningstar không tin sản phẩm do Micron bán có rủi ro bảo mật. "Lệnh điều tra có vẻ mang tính chính trị nhiều hơn, nhất là khi Trung Quốc đang xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn của riêng mình", Davuluri nói với Bloomberg.
Cuộc điều tra của CAC diễn ra khi Micron đang rơi vào hoàn cảnh "nhạy cảm". Trung Quốc hiện chiếm hơn 10% tổng doanh thu của Micron, là thị trường lớn thứ ba sau Mỹ và Đài Loan. Tuần trước, công ty báo lỗ ròng 2,3 tỷ USD trong quý tài chính đầu 2023, lớn nhất trong hai thập kỷ qua. Hãng cũng dự kiến sa thải 15% lực lượng lao động, tương đương 7.200 nhân viên trên toàn cầu.
Theo các chuyên gia, việc bị điều tra có thể tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả tài chính của Micron những quý tới.
Tuy nhiên, tác động không diễn ra lập tức. Theo Feng Qiong, luật sư chuyên về bán dẫn, trước mắt cuộc điều tra của CAC nhắm đến Micron mất ít nhất 30 ngày để hoàn thành, hoặc nhiều hơn nếu này sinh vấn đề phức tạp.
"Trung Quốc có thể áp đặt nhiều hình phạt và biện pháp hạn chế khác nhau nếu phát hiện có vấn đề về an ninh mạng trong sản phẩm của Micron", bà Qiong nói với SCMP. "Không loại trừ khả năng Micron sẽ chịu các biện pháp nghiêm ngặt hơn theo Luật An ninh Quốc gia nước này".
Còn theo Lifu, tiền phạt là "lời cảnh báo nhẹ nhàng nhất" với Micron, trong khi nghiêm trọng hơn có thể là hạn chế hoặc cấm tiếp cận thị trường.