Hôm nay 3/4, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vừa thông báo đã nhận được công văn kèm theo nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) của Công ty cổ phần Tôn Đông Á về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu.
Lý do mà công ty đưa ra là: Tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước không thuận lợi khiến cho kết quả kinh doanh năm 2022 của toàn ngành nói chung và Tôn Đông Á nói riêng không khả quan. Công ty chưa đáp ứng được các điều kiện niêm yết theo quy định tại điểm a và điểm c Khoản 1 Điều 109 Nghị định số 155/2020.
HOSE sẽ ngừng việc xem xét hồ sơ niêm yết của Tôn Đông Á. Nếu sau này công ty nộp lại hồ sơ, HOSE sẽ xem xét lại từ đầu.
Điểm c Khoản 1 Điều 109 của Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định:
“Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm liền trước năm đăng ký niêm yết tối thiểu là 5% và hoạt động kinh doanh của 02 năm”.
Năm 2022, Tôn Đông Á lỗ sau thuế gần 277 tỷ đồng nên không đáp ứng điều kiện kinh doanh có lãi trong hai năm liền trước năm đăng ký niêm yết.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 được công bố mới đây, Tôn Đông Á ghi nhận doanh thu thuần 21.614 tỷ đồng, giảm 14,4% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 1.181 tỷ, chỉ bằng 42% kết quả năm 2021. Ngược lại, chi phí tài chính tăng 95% lên 503 tỷ đồng.
Giải trình của Tôn Đông Á cho biết giá thép giảm liên tục trong năm 2022, tình hình biến động kinh tế thế giới đẩy giá nhiên liệu tăng cao, dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng đáng kể. Ngoài ra, tỷ giá và lãi suất ngân hàng tăng cao so với năm trước.
Vì vậy, công ty lỗ sau thuế 276,5 tỷ đồng trong năm 2022 và không đáp ứng điều kiện niêm yết cổ phiếu ở HOSE. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là khoản lỗ nặng nhất của Tôn Đông Á kể từ khi có số liệu so sánh đến nay.
Trong năm 2022, Tôn Đông Á sản xuất gần 766.000 tấn tôn mạ và bán ra 736.000 tấn, chiếm 17,6% thị phần và đứng thứ 2 toàn ngành chỉ sau Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG). Trong hai tháng đầu năm 2023, công ty tiêu thụ 104.307 tấn, giảm gần 34% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn giữ vị trí thứ 2 về thị phần.
Trước đó vào năm 2021, Tôn Đông Á bán ra 767.000 tấn tôn mạ, đứng thứ 3 về thị phần sau Hoa Sen và Nam Kim (Mã: NKG).
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng sản lượng bán hàng tôn mạ năm 2022 đạt gần 4,2 triệu tấn, giảm gần 22% so với 2021. Nguyên nhân chủ yếu là thị trường xuất khẩu khó khăn khi sản lượng giảm 38% xuống còn gần 2,1 triệu tấn, tỷ trọng khối lượng xuất khẩu trên tổng tiêu thụ giảm từ 63% trong năm 2021 xuống còn 50% năm 2022.
Trong hai tháng đầu năm 2023, tổng tiêu thụ tôn mạ toàn ngành cũng giảm 30% so với cùng kỳ, còn 567.500 tấn. Trong đó, riêng mảng xuất khẩu giảm tới 42% còn gần 261.400 tấn.
Trong báo cáo phân tích hồi cuối tháng 3 vừa qua, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định việc tháo gỡ những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là rất cần thiết để dòng tiền quay lại lĩnh vực bất động sản - xây dựng, qua đó kích thích nhu cầu sắt thép.
Nghị định 65 sửa đổi sẽ giúp doanh nghiệp đàm phán và thu xếp với trái chủ, phần nào khôi phục tiến độ cho các dự án đang triển khai. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng rủi ro mất khả năng thanh toán ở một số nhà phát triển bất động sản lây lan sang các khoản nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp cùng chuỗi giá trị.
Trong khi chờ đợi chính sách tiền tệ, nhu cầu xây lắp trong nước sẽ phụ thuộc vào tiến độ của các dự án đầu tư công về hạ tầng để phần nào bù đắp cho sụt giảm nhu cầu. Giải ngân đầu tư công của năm 2022 ước đến tháng 1/2023 đạt hơn 539.000 tỷ đồng, tương đương 93% kế hoạch và tăng 23% so với năm trước.
Trong đó, vốn giải ngân từ Trung ương tăng 30%, là đầu tàu tăng trưởng khi vốn giải ngân từ địa phương tăng yếu hơn. Bộ Giao thông Vận tải chiếm quy mô vốn đầu tư công lớn nhất trong năm 2022, ước tính giải ngân 53.500 tỷ đồng. Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được Chính phủ đôn đốc khá quyết liệt như khởi công 12 dự án thành phần của Cao tốc Bắc Nam, tìm nhà thầu cho Sân bay Long Thành, giải phóng mặt bằng cho dự án Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 tại Hà Nội.
Giải ngân từ các dự án này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ thép trong nước trong khi các nhà sản xuất chờ đợi tín hiệu tích cực từ nhóm chủ đầu tư tư nhân và nhu cầu thép thế giới để khôi phục hoàn toàn hoạt động sản xuất – kinh doanh.