Những "thành phố dưới lòng đất" này được trang bị khá đầy đủ để người dân có thể sinh sống. Hiện nay, người dân Albania hy vọng, di sản từ quá khứ này sẽ tạo ra nguồn tài chính cho tương lai.
Thành phố Kukes ngầm là hệ thống hầm nằm dưới thành phố Kukes trên mặt đất ở miền Bắc Albania. Hệ thống hầm này được xây dựng từ những năm 1970 cho đến những năm 1990, trong suốt 22 năm, dự phòng chiến tranh xảy ra.
(Ảnh: AP)
Anh Afrim Cenaj, ở thành phố Kukes, Albania, nói: "Khi đi vào, người ta phải tẩy trùng ở đây, phải rửa sạch".
Ông Haxhi Cenaj, cư dân thành phố Kukes, cho biết: "Có 37 phòng, các khu vui chơi, phòng họp, điểm diễn tập tình huống chiến tranh tùy theo tình hình".
(Ảnh: AP)
Chính quyền địa phương lên kế hoạch trùng tu hệ thống hầm này để du khách có thể khám phá nơi mà người dân đã chuẩn bị để sống trong đó tới 6 tháng, nếu thành phố bị tấn công hóa học hoặc hạt nhân.
Hệ thống hầm này có 7 tầng, sâu tới 30 mét, tường bê tông dày 0,5 mét. Hệ thống các hầm dài tổng cộng 5 - 7km, có thể đủ cho 20.000 - 30.000 dân sinh sống.
(Ảnh: AP)
Trong thành phố ngầm có nhà máy sản xuất bánh mỳ, trường học, bệnh viện, nhà dưỡng lão, văn phòng công tố, lực lượng cảnh sát, trạm phát thanh, xưởng in và nơi huấn luyện quân sự.
Vào thời kỳ còn hoạt động, hệ thống hầm ở Kukes là pháo đài phòng thủ lớn nhất ở Albania. Những địa điểm ở đây thường xuyên được sử dụng để diễn tập chống lại các cuộc tấn công.
Trên khắp cả nước Albania, có khoảng 175.000 hệ thống hầm ngầm bê tông như thế này.