Thời sự

Bộ Công Thương nói gì về việc đàm phán khung giá điện mặt trời, điện gió mới?

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề về tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo tại buổi Họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 3/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trước đây các dự án được áp dụng giá FIT - cơ chế giá điện hỗ trợ được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió, được quy định chỉ áp dụng trong khoảng thời gian nhất định.

Sau khi cơ chế này hết hiệu lực, những dự án hoàn thành sau 31/10/2021 sẽ được áp dụng một cơ chế giá điện mới. Để xây dựng được khung giá điện này, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15, quy định phương pháp xác định khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời và điện gió chuyển tiếp. 

EVN đã báo cáo Bộ Công Thương về khung giá phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Trên cơ sở tính toán của EVN, bộ đã tham khảo, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành liên quan, như Bộ Tài chính, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, xem xét ý kiến của Hội đồng Tư vấn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. (Ảnh: VGP).

Sau đó Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 21 quy định khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để làm cơ sở cho EVN và các chủ đầu tư thoả thuận giá điện, sớm đưa nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên, Thứ trưởng Hải cho hay.

Với ý kiến về việc khung giá điện này quá thấp, không đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư, Thứ trưởng Hải khẳng định, khung giá điện này đã được tính toán trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật được thẩm định của 102 nhà máy điện mặt trời và 109 nhà máy điện gió.

“Việc lựa chọn thông số đầu vào để tính toán khung giá đã được thực hiện theo đúng tinh thần của Thông tư 15”, ông Hải nhấn mạnh.

 Toàn cảnh Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023. (Ảnh: Hạ An).

Sau khi có khung giá điện này, ông Hải cho biết, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư chuyển tiếp, thoả thuận, thống nhất giá điện để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Việc đàm phán này cần được thực hiện trên tinh thần hài hoà lợi ích giữa các bên, chia sẻ rủi ro theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đồng thời dự án phải chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, điện lực, quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy…

“Chúng tôi rất mong EVN cũng như các chủ đầu tư thực hiện đúng theo tinh thần như vậy, vừa đảm bảo sớm nhất đưa các dự án vào hoạt động, bên cạnh đó vẫn phải tuân thủ theo đúng quy định và theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Hải cho hay.

Trước đó, EVN đã có văn bản gửi bộ trưởng Bộ Công Thương về những vướng mắc trong đàm phán giá điện các dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.

EVN cho biết, tính đến ngày 30/3 mới có 4/85 chủ đầu tư gửi hồ sơ, trong khi ngày 31/3 là thời hạn Bộ Công Thương yêu cầu EVN đàm phán xong với các chủ đầu tư.

EVN cho hay do Thông tư 01 của Bộ Công Thương đã bãi bỏ thời hạn hợp đồng mua bán điện (PPA) trong 20 năm với điện mặt trời nhưng giữ nguyên thời hạn này với điện gió, nên EVN và các chủ đầu tư rất khó thống nhất thời hạn PPA cho dự án điện mặt trời.

Theo EVN, với các nhà máy điện truyền thống đều có hướng dẫn về phương pháp tính giá, nhưng với nhà máy điện chuyển tiếp thì đến nay Bộ Công Thương vẫn chưa có hướng dẫn.

Bao gồm các hướng dẫn liên quan đến đời sống kinh tế dự án, sản lượng điện dùng để tính toán giá điện, chi phí vận hành và bảo trì, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, lãi vay, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu…

Cùng chuyên mục

Đọc thêm