Tục ngữ thường có câu "Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn" để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đồng thuận chung sức trong gia đình. Quan điểm này cũng được thể hiện rõ trong việc quản lý tài chính gia đình. Bên cạnh việc cùng đóng góp, người Việt Nam thường có xu hướng giao chi tiêu quản lý "tay hòm chìa khóa" cho các bà vợ. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, với việc xu nhập của văn hóa phương Tây, nhiều gia đình cũng lựa chọn cách sống rạch ròi về tiền bạc giữa vợ chồng. Vậy đâu là phương án tốt nhất để quản lý tài chính gia đình?
Theo chuyên gia Lâm Minh Chánh, việc xuất hiện hai luồng quan điểm về quản lý tài chính gia đình thực ra xuất phát từ việc xung đột về văn hóa, xung đột giữa các thế hệ. Những thế hệ cũ theo quan điểm châu Á truyền thống thường đề cao việc phụ nữ là tay hòm chìa khóa trong gia đình. Theo đó khi vợ chồng có thu nhập thì sẽ gom lại, có quỹ chung và vợ là người quản lý chi tiêu.
Tuy nhiên phương pháp này cũng có điểm yếu là hiện trên thị trường có rất nhiều hình thức lừa đảo, với tâm lý nhẹ dạ cả tin, phụ nữ thường dễ dính phải những bẫy lừa đảo này. Có thể kể đến những kiểu lừa đảo nở rộ gần đây như đa cấp tiền ảo, tiền số với hứa hẹn lãi suất cam kết lên tới 30%/năm.
Ngược lại với trường hợp tách bạch tiền ai người nấy tiêu, theo chuyên gia Lâm Minh Chánh sẽ khó để hoạch định ra kế hoạch tài chính cho gia đình. Phương pháp này cũng khá mới mẻ tại Việt Nam và với nhiều người dễ tạo ra tâm lý xa cách, thiếu chia sẻ.
Rất khó để kết luận cách nào là đúng hơn cách nào nhưng theo ông Chánh, mấu chốt là quỹ/tài sản gia đình phải quản lý tốt, sinh sôi nảy nở, minh bạch và quỹ phải được lập kế hoạch rõ ràng.
Sau đây là một số hướng giải quyết có thể cân bằng được nhu cầu, mục tiêu tài chính của vợ chồng cũng như gia đình.
1. Cùng nhau thảo luận vấn đề tiền bạc
Vợ chồng có thể nói rõ với nhau về thu nhập, chi phí hàng tháng và những khoản chi tiêu khác của mỗi người. Qua đó, mỗi người có thể hiểu được vấn đề tài chính của đối phương và cùng nhau chi tiêu hợp lý.
Ngoài ra, mỗi bên có thể tâm sự và lắng nghe quan điểm, thái độ của nhau về tiền bạc và những vấn đền liên quan tài chính đối với gia đình và bạn bè.
2. Đặt ra một mục tiêu chung
Vợ chồng có thể cùng nhau đặt ra mục tiêu tài chính chung, thảo luận khi nào bạn muốn có con và những chi phí cho việc có con như thế nào. Ngoài ra, mỗi người cần hỏi ý kiến của người ấy về việc khi nào mua nhà và dành dụm tiền cho chuyện đại sự này. Hơn nữa, có rất nhiều câu hỏi vợ chồng nên cùng tìm ra đáp án như:
Cả hai có làm việc xa nhà không? Bao lâu gia đình đi du lịch một lần? Cả hai muốn đầu tư vào việc gì? Kế hoạch ra sao? Khi nào thì vợ chồng nghỉ hưu? Và cả hai có kế hoạch gì cho chuyện đó hay chưa?
3. Có phương pháp quản lý tiền bạc phù hợp
Vợ chồng nên cùng nhau:
Thống nhất chiến lược quản lý tiền bạc hàng ngày; Hai người sử dụng tài khoản ngân hàng chung hay riêng hay dùng cả hai? Vợ chồng sẽ gửi tiền cho người thân trong gia đình hoặc bạn bè hay cho họ mượn tiền như thế nào? Làm thế nào để cả hai cùng có trách nhiệm quản lý tiền bạc?
4. Duy trì sự công bằng trong kiểm soát tiền bạc
Là vợ chồng với nhau nên thỏa thuận ai cũng có quyền dùng và kiểm soát tài sản chung.
5. Lập kế hoạch tài chính
Đây là một trong những quyết định rất quan trọng, vì thế vợ chồng nên cùng nhau:
Mục tiêu tài chính của gia đình như thế nào? Ai là người có kiến thức đầu tư tốt hơn để vạch ra kế hoạch tài chính phù hợp? Tìm lời khuyên từ các quỹ đầu tư, nhà tư vấn chuyên nghiệp.