Đối mặt với thời tiết nguy hiểm
Đầu tháng 5, tại Nam bộ xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng. Theo số liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lượng mưa cao nhất ngày tại Trị An (Đồng Nai) là 145,3 mm vào ngày 10.5, vượt giá trị lịch sử là 141 mm được ghi nhận từ năm 1986. Tuy nhiên, trong những ngày giữa tháng 5 sau đó, người dân TP.HCM và một số nơi ở miền Đông Nam bộ lại trải qua những ngày trời chuyển gió đông, mưa giảm hẳn và nắng nóng bất ngờ. Nắng nóng kết hợp với nhiệt độ không khí cao khiến thời tiết oi bức rất khó chịu.

Mưa lớn dị thường ở các tỉnh miền núi phía bắc gây lũ quét, sạt lở đất và tại Bắc Kạn đã có 3 người chết
ẢNH: Anh Dũng
Cũng trong giai đoạn đầu tháng 5, miền Bắc và miền Trung trải qua những ngày nắng nóng. Đặc biệt các ngày 5 và 8 - 9.5, nắng nóng lan rộng trên toàn Bắc bộ; trong đó, khu vực phía tây Bắc bộ có nắng nóng gay gắt diện rộng và phía đông Bắc bộ có nắng nóng gay gắt cục bộ với mức nhiệt cao nhất phổ biến từ 35 - 38 độ C. Cá biệt một số nơi ở Bắc Trung bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh nắng nóng lên đến trên 40 độ C. Ngay sau nắng nóng, các tỉnh miền Trung và miền Bắc lại đón một đợt mưa lớn dị thường; nhiều nơi có lượng mưa trên 100 mm như: Tam Đường (Lai Châu) 139 mm, Bắc Quang (Hà Giang) 180 mm, Ngân Sơn (Bắc Kạn) 159 mm…
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết: Đầu tháng 5, tuy không phải là giai đoạn cao điểm mùa mưa lũ ở Bắc bộ, nhưng năm nay đã xuất hiện nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm như mưa giông, lốc, sét, mưa đá... Đáng lưu ý, nhiều nơi ở Bắc bộ vừa qua ghi nhận những trận mưa cường suất lớn, mưa lớn cục bộ với lượng mưa phổ biến từ 100 - 200 mm, có nơi trên 300 mm. Trong mùa mưa bão năm nay, mưa cường suất lớn sẽ xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn, có thể gây ngập úng tại các vùng trũng thấp, khu đô thị, khu công nghiệp ở Bắc bộ. Mưa cường suất lớn là những cơn mưa diễn ra trong một vài giờ nhưng có lượng mưa lên tới 100 - 200 mm; xuất hiện nhiều hơn ở các tỉnh Bắc bộ. Mưa lớn kéo dài khiến các vùng đồi núi như Bắc Kạn, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang… đất đá đã bão hòa nước, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Đáng chú ý, do mưa lớn dị thường nên ngay đầu mùa mưa bão năm nay đã xảy ra thiệt hại về người. Cụ thể, mưa lớn kéo dài nhiều giờ gây lũ quét, sạt lở đất tại các xã Đồng Phúc, Yến Dương (H.Ba Bể, Bắc Kạn) làm 3 người chết. Tại địa bàn xã Yến Dương có mưa rất lớn với lượng mưa từ 19 giờ ngày 17.5 đến 8 giờ ngày 18.5 lên tới 214,8 mm. Bộ NN-MT đã cử đoàn công tác đến hiện trường để hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất.
TP.HCM và Nam bộ có mưa tăng trở lại
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo từ nay đến 20.6 có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới (bão/áp thấp nhiệt đới) trên khu vực Biển Đông ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (1 cơn). Nắng nóng tiếp tục xảy ra tại khu vực Bắc bộ và Trung bộ với cường độ có khả năng gia tăng trong tháng 6. Tổng lượng mưa tại khu vực vùng núi phía bắc Bắc bộ, Tây nguyên và Nam bộ cao hơn từ 10 - 25% so với trung bình nhiều năm. Khu vực Trung và Nam Trung bộ phổ biến thấp hơn từ 5 - 20%, còn các khu vực khác phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Đại diện Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ và Tây nguyên cho biết thêm hiện nay rãnh thấp xích đạo có trục vào khoảng 5 - 8 độ vĩ bắc qua khu vực Nam bộ và nam Trung bộ nối với vùng xoáy thấp mạnh dần trên khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa. Rãnh thấp hoạt động tốt dần lên và tồn tại từ tầng thấp lên các tầng cao. Trong những ngày tới, trục của rãnh thấp ở vào khoảng 6 - 9 độ vĩ bắc và tiếp tục nâng lên phía bắc. Gió tây nam thiết lập trở lại và hoạt động mạnh dần. Do vậy, khả năng mưa giông có xu hướng xuất hiện nhiều và thường xuyên hơn, có điểm mưa vừa, mưa lớn và trong mưa giông cần đề phòng có giông sét, lốc xoáy, mưa đá và gió giật mạnh, mưa lớn gây ngập úng cục bộ.
Tại TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ, trong những ngày cuối tháng 5, mây thay đổi đến nhiều mây, ngày nắng gián đoạn. Chiều và tối có mưa rào và giông nhiều nơi, có nơi mưa vừa và mưa lớn. Đáng chú ý, khoảng từ ngày 23 - 27.5 có khả năng đón một đợt mưa lớn đến rất lớn. Trong cơn giông đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Dự báo khoảng 11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO dự kiến duy trì trạng thái trung tính đến hết tháng 11.2025 với xác suất 55 - 90%. Trong giai đoạn từ tháng 6 - 8, nắng nóng tiếp tục xảy ra tại Bắc bộ và Trung bộ, giảm dần ở Tây nguyên và Nam bộ; trong khi mưa vừa, mưa to xuất hiện ở nhiều khu vực, đặc biệt tại Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ. Giai đoạn này có thể xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa ở mức tương đương trung bình nhiều năm, riêng Nam bộ và Ninh Thuận, Bình Thuận cao hơn 5 - 20%. Nhiệt độ trung bình trên cả nước xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng Tây Bắc cao hơn 0,5 - 1 độ C.
Từ tháng 9 - 11, nắng nóng chỉ còn cục bộ ở Bắc bộ và Trung bộ trong tháng 9, sau đó chấm dứt. Mưa to trên diện rộng có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở Trung bộ - nơi cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất và ngập úng đô thị.
Trong giai đoạn từ nay đến tháng 6 - 11, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông tương đương trung bình nhiều năm, khoảng 11 cơn và khoảng 5 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Lượng mưa toàn quốc trong giai đoạn này vẫn xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Chí Nhân
Trung bộ nắng nóng kéo dài đến 23.5
Tại Trung bộ, nắng nóng xuất hiện trở lại từ ngày 20.5 và trong ngày 21.5, ở khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao nhất tại Con Cuông (Nghệ An) 36,6 độ C, Hương Sơn (Hà Tĩnh) 36,5 độ, Tuyên Hóa (Quảng Bình) 37 độ C, Đông Hà (Quảng Trị) 37,3 độ C... Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50 - 60%. Dự báo nắng nóng có khả năng kéo dài đến ngày 23.5 rồi có xu hướng dịu dần.