Bảo tàng được cải tạo từ Tòa Thị chính thời Pháp với tuổi đời hơn 125 năm. Ngay từ khi hoàn thiện phần mặt ngoài vài năm trước, dù chưa chính thức mở cửa, công trình đã trở thành điểm check-in quen thuộc nhờ kiến trúc cổ kính và giá trị lịch sử gắn liền với TP.Đà Nẵng.
Phương án cải tạo giữ nguyên khối nhà kiến trúc tân cổ điển mặt tiền đường Bạch Đằng, đồng thời kết nối với khối nhà mới hiện đại phía đường Trần Phú. Khối nhà mới nổi bật với hệ lam bê tông sợi màu nâu vàng, họa tiết mô phỏng mây tre đan, gợi liên tưởng đến nghề thủ công truyền thống. Sự hòa quyện giữa yếu tố cổ điển và hiện đại đã tạo nên một công trình vừa mang tính nghệ thuật, vừa thân thiện với cộng đồng.
Không chỉ riêng bảo tàng, những công trình nổi bật khác tại Đà Nẵng như Công viên APEC hay Nhà trưng bày nghệ thuật Sơn Trà cũng cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào thiết chế văn hóa. Một công trình không chỉ cần hiệu quả công năng, mà còn phải đẹp, có bản sắc, truyền cảm hứng và thu hút người dân.
Thành công này đến từ chủ trương đúng đắn của các cơ quan chức năng Đà Nẵng, đó là lựa chọn phương án kiến trúc qua thi tuyển, ứng dụng công nghệ mới, và đặc biệt là đề cao yếu tố thẩm mỹ, văn hóa đối với các công trình.
Người viết còn nhớ, năm ngoái, rạp Lê Độ cũng ghi nhận lượng vé bán hết cho bộ phim Đào, phở và piano. Những hiện tượng này cho thấy công chúng không quay lưng với văn hóa, mà chỉ cần những cách tiếp cận phù hợp, gần gũi, sẽ có thể thu hút được đông đảo lượng khách.
Có ý kiến cho rằng Bảo tàng Đà Nẵng đang mở cửa miễn phí nên lượng người tham quan tăng mạnh còn nếu thu phí, chưa chắc thu hút được lượng khách đông đảo như thế. Tuy nhiên, dù lý do là gì thì đây cũng là tín hiệu tích cực để các cơ quan quản lý cân nhắc chính sách tiếp cận văn hóa hiệu quả hơn, phù hợp với vị thế và tiềm năng phát triển của TP.Đà Nẵng - một đô thị trung tâm của khu vực miền Trung.