Như Thanh Niên đã thông tin, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên toàn quốc đồng loạt triển khai đợt cao điểm đấu tranh, truy quét, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trên phạm vi toàn quốc từ ngày 17.5 - 17.6, đặc biệt là đối với các hành vi vi phạm trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) và mạng xã hội (MXH).

Lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm buôn bán hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT, MXH
Ảnh: Quyên Lưu
Đây cũng là nội dung trọng tâm trong Kế hoạch số 01/KH-TTTN ngày 17.5.2025 do ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) vừa ký ban hành, để thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới.
Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), trong thời gian vừa qua, nhiều hành vi vi phạm của các sàn TMĐT bị phát hiện. Trong 3 tháng đầu năm nay, Cục TMĐT và Kinh tế số đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) kiểm tra, giám sát và ban hành 8 văn bản yêu cầu các nền tảng TMĐT rà soát và ngăn chặn đối với các sản phẩm, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện.
Nhiệm vụ thường nhật
Tán thành hoạt động cao điểm tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bạn đọc (BĐ) Quang Trip nêu ý kiến: "Cần đặc biệt quan tâm xác định, kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng trốn thuế trên các sàn TMĐT. Ngoài ra, phải kiểm soát việc bán hàng qua hình thức livestream trên các kênh MXH. Hình thức này rộ lên thời gian qua nhưng người dân thì rất khó biết được chất lượng hàng hóa tới đâu".
Bên cạnh các ý kiến ủng hộ mạnh tay truy quét hàng lậu, hàng giả, BĐ Nghĩa Hòa cũng tỏ ra lo lắng: "Ra quân cao điểm nhưng lại công khai kế hoạch thì liệu có đánh động hàng giả, hàng nhái?".
Trả lời cho băn khoăn này, BĐ Tuấn An góp ý: "Công khai thế thôi, chắc hẳn các đội QLTT đã thu thập thông tin, nắm rõ bằng chứng từ trước đó cả rồi, đâu phải đợi đến lúc ra quân mới đi rà soát".
Cùng nhận định, BĐ Thuy nêu: "Hy vọng việc thu thập thông tin, diễn biến bất thường của thị trường vẫn được tiến hành đều đặn. Điều này cần trở thành hoạt động thường nhật, lâu dài, chứ không chỉ tập trong những đợt ra quân".
Phối hợp để bảo vệ người tiêu dùng
Bên cạnh đó, đa số BĐ cho rằng công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu… không hề dễ dàng, và cũng không thể giao hết cho các đội QLTT.
BĐ Trường Lưu phân tích: "Hầu hết các nền tảng TMĐT và MXH đều hoạt động xuyên quốc gia. Hình thức thanh toán, vận chuyển… vì thế cũng đa dạng, thậm chí phức tạp". Từ đó, BĐ này nhận xét: "Để hàng giả, hàng lậu, hàng nhái không còn đất sống thì cần phối hợp nhiều bên, chứ riêng QLTT cũng không đủ sức làm hết được".
"Vậy thì trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng của các sàn TMĐT, của MXH có được đặt ra đầy đủ chưa?", BĐ Minh Nghĩa đặt câu hỏi. Liên quan đến vấn đề này, BĐ Thu Tho nêu: "Cần cân nhắc tăng hình phạt với các sàn TMĐT có hàng giả".
Theo thông tin từ Cục TMĐT và Kinh tế số, đến nay, các nền tảng sàn TMĐT đã thực hiện gỡ bỏ 33.122 sản phẩm và ngăn chặn 11.544 gian hàng vi phạm hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định khi được yêu cầu.
Câu chuyện hậu kiểm cũng rất quan trọng. Thời gian qua, một số vụ việc hàng giả, hàng kém chất lượng được phát hiện từ chính người tiêu dùng.
Thuận
Rất mong chờ một cuộc điều tra về chất lượng sản phẩm bán buôn trên các sàn TMĐT và MXH. Nếu có vi phạm mong xử nghiêm.
Thu Thao
Sàn TMĐT, sàn bán buôn trên MXH và những ai liên quan để sót lọt hàng giả, hàng lậu, hàng nhái… phải được xử lý cương quyết, chế tài nghiêm để còn hạn chế, răn đe.
Trịnh Cường