
Orlen, tập đoàn năng lượng lớn nhất Ba Lan, vừa chính thức chấm dứt hợp đồng nhập khẩu dầu thô cuối cùng từ Nga. Sự kiện này khép lại mối quan hệ hợp tác trong 6 thập kỷ bắt đầu từ thời Liên Xô và đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược năng lượng của quốc gia Trung Âu này.
Dầu của Nga được vận chuyển qua đường ống Druzhba, một di sản từ thời Liên Xô, tới nhà máy lọc dầu của Orlen tại Litvinov (Cộng hòa Séc) theo hợp đồng kéo dài 12 năm với tập đoàn năng lượng Rosneft (Nga). Hợp đồng này chính thức hết hiệu lực từ 1/7.
Tuyến ống Druzhba từng cung cấp dầu cho nhiều quốc gia Trung Âu không giáp biển như Séc, Slovakia, Hungary trong nhiều thập kỷ, và được EU miễn trừ khỏi lệnh cấm vận dầu Nga do thiếu nguồn thay thế. Tuy nhiên, nhờ phối hợp hạ tầng khu vực và điều chỉnh công nghệ lọc dầu, Orlen đã chấm dứt phụ thuộc hoàn toàn.
“Hôm nay chúng ta đã giải phóng Trung Âu khỏi dầu mỏ của Nga”, CEO Ireneusz Fafara của Orlen phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 30/6.
Trước đó, Orlen đã ngừng nhập dầu Nga cho các nhà máy tại Ba Lan và Litva từ tháng 3/2023. Tuy nhiên, công ty con Unipetrol tại Séc vẫn tiếp tục nhập dầu theo hợp đồng cũ.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine, chính phủ Séc đã tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc một phần vào đường ống Druzhba vốn cung cấp nguồn cung từ Nga trong nhiều thập kỷ và chiếm khoảng một nửa lượng dầu nhập khẩu hàng năm của nước này.
Cuối năm ngoái, công ty điều hành đường ống MERO (Séc) đã hoàn thành việc nâng cấp đường ống Transalpine (TAL), dẫn dầu từ tàu chở dầu tại cảng Trieste (Ý) qua Áo và Đức đến Séc.
Đồng thời, nhà máy Litvinov vốn phụ thuộc hoàn toàn vào dầu pha trộn kiểu Nga (Urals) cũng đã được tái cấu trúc để xử lý nhiều loại dầu thô khác nhau, giúp Orlen linh hoạt hơn trong việc đa dạng nguồn cung. Orlen cho biết hiện nay, các nhà máy lọc dầu của Séc được cung cấp dầu thô từ nhiều nguồn, trong đó có Biển Bắc và khu vực Địa Trung Hải, Ả Rập Xê Út, Nam-Bắc Mỹ, châu Phi.
Việc Orlen chính thức dừng nhập khẩu dầu Nga phù hợp với chiến lược chấm dứt hoàn toàn phụ thuộc vào năng lượng Nga trước năm 2027 của EU. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định loại bỏ khí hóa lỏng (LNG) từ Nga vẫn là thách thức lớn, bởi hiện tại Nga vẫn chiếm khoảng 19% thị phần nguồn năng lượng này của châu Âu.
Cộng hòa Séc cũng đã ghi nhận mốc quan trọng này. Thủ tướng Petr Fiala phát biểu hồi tháng 4: “Sau khoảng 60 năm, sự phụ thuộc của chúng ta vào dầu Nga đã kết thúc”.
Giờ đây, với nguồn cung dầu từ Na Uy và các quốc gia ngoài Nga, Orlen không chỉ đáp ứng an ninh năng lượng quốc gia mà còn góp phần định hình lại cục diện năng lượng tại Trung và Đông Âu – khu vực vốn phụ thuộc sâu sắc vào năng lượng Nga.
Tham khảo: Bne Intellinews, Reuters