Một hệ sinh thái sản xuất hàng giả là thực phẩm dành cho trẻ em vừa bị Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Ninh Bình phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an điều tra, triệt phá.
Một trong những đối tượng đã bị khởi tố là Lê Văn Hải – một tiktoker nổi tiếng với trang "Gia đình Hải Sen", bị cáo buộc về tội "Buôn bán hàng giả là thực phẩm".
Lợi dụng sức ảnh hưởng từ mạng xã hội và niềm tin của người dùng, các đối tượng đã cấu kết với nhau để trục lợi, thu lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Căn nhà nằm ở vùng quê thuần nông tại tỉnh Ninh Bình được lấy làm trụ sở của Công ty TNHH Hải Bé. Tại đây không hề có hoạt động sản xuất thực phẩm, mà chỉ là nơi đối tượng quay các clip quảng cáo sản phẩm siro ăn ngon với sự tham gia của các thành viên trong gia đình.

Sản phẩm được giới thiệu là bổ sung vitamin và khoáng chất, giúp trẻ ăn ngon và hấp thu tốt hơn. Từ một thanh niên ở vùng quê được yêu thích bởi những nội dung chia sẻ yêu thương giản dị, Lê Văn Hải bắt đầu kinh doanh trên mạng xã hội. Nhiều sản phẩm khác cũng được quảng bá và kiểm định, nhưng đều do cùng một đơn vị sản xuất.
Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Ninh Bình, các sản phẩm này được sản xuất tại một công ty ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình – một mắt xích trong chuỗi hệ sinh thái sản xuất nhiều loại thực phẩm chức năng, sữa cho trẻ em với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, phân phối rộng khắp tại nhiều địa phương.

Đáng chú ý, sản phẩm siro ăn ngon Hải Bé đã được đơn vị sản xuất tự công bố chất lượng sản phẩm, kèm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cấp. Hồ sơ kiểm nghiệm với các chỉ tiêu đều đạt yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế qua ba lần kiểm định, các mẫu sản phẩm đều không đạt tiêu chuẩn, các chỉ số hoạt chất đều dưới 70%, bị xác định là hàng giả.
Lời khai của các đối tượng cho thấy, mỗi tháng riêng Lê Văn Hải thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng từ việc bán sản phẩm giả. Một gói siro ăn ngon có chi phí sản xuất khoảng 40.000 đồng nhưng được bán ra với giá gấp đôi.

Hai đối tượng liên quan trong vụ án chỉ học hết cấp ba. Việc kiếm tiền dễ dàng và giàu lên nhanh chóng đã khiến họ ngày càng lún sâu.
Đối tượng Trần Đại Phúc – Công ty TNHH Hải Bé – khai nhận: “Cứ nghĩ nhà máy lớn thì sản phẩm phải đảm bảo, không nghĩ như vậy, thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng.”
Nhóm đối tượng cho rằng mình thiếu kiến thức. Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, các dấu hiệu trong vụ án cho thấy còn có hành vi trốn thuế. Dù doanh thu thực tế hơn 100 tỷ đồng mỗi năm nhưng doanh nghiệp thường xuyên báo cáo lỗ để trốn nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Siro “ăn ngon”, nhưng nay lại mang đến nỗi lo lớn cho nhiều phụ huynh – những người từng tin tưởng mua sản phẩm này cho con em mình sử dụng.