20 giờ ngày 2/7 (giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump về quan hệ giữa hai nước và đàm phán về thuế đối ứng.
Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Donald Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết giành quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa của Mỹ, trong đó có xe ô tô phân khối lớn.
Ông khẳng định Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên.

Cũng trong tối 2/7 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Truth Social, cho biết "đã có một thỏa thuận thương mại với Việt Nam", ông cũng thông tin thêm về thoả thuận này: "Theo các điều khoản, Việt Nam sẽ phải trả cho Mỹ mức thuế 20% đối với tất cả hàng hóa được gửi vào lãnh thổ của chúng ta, và 40% thuế đối với bất kỳ hoạt độngtransshipping (trung chuyển) nào ”.
Mức thuế 20% là một thành công

Chuyên gia Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol, Anh. (Ảnh: NVCC).
Đánh giá về thông tin trong bài đăng trên Truth Social của Tổng thống Trump, chuyên gia Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol, Anh cho rằng, trong bối cảnh từ một tháng trước phía cố vấn thương mại Mỹ đã nêu đánh giá không mấy tích cực về Việt Nam và muốn đánh thuế nặng các nước các nước transshipping, thì đây việc thoả thuận được mức thuế đối ứng 20% là một thành công và kể cả mức 40% cho transshipping cũng rất tích cực.
"Để đánh giá mức thuế này tốt hay không tùy vào kỳ vọng, những quan điểm lạc quan hi vọng 10 - 20% thì đây là không tốt lắm vì là ở mức cao hơn. Nhưng hai tuần trở lại đây lại có những quan điểm bi quan do một số bài báo quốc tế nhìn nhận Việt Nam sẽ bị đánh thuế đối ứng nặng nhất ASEAN, dẫn đến một số lo sợ mức thuế gần 30%. Vì vậy 20% là một con số không xấu. Nhìn vào phản ứng của cổ phiếu Nike là cho thấy bạn hàng Mỹ họ lạc quan", ông Tuấn nói.
Ông cũng cho rằng, đây cũng chỉ là những thông tin sơ bộ ban đầu, còn về chi tiết sẽ phải mất thời gian tới một vài tháng để tiếp tục đàm phán.
"Còn rất nhiều điều chưa rõ ràng như mức thuế 20% sẽ áp dụng cho tất cả hàng không phải transshipping không hay có ngoại lệ gì? hoặc mức thuế 40% với hàng hoá transshipping thì sẽ sử dụng cơ sở nào, tỷ lệ bao nhiêu, có phân biệt nơi xuất xứ để xác định không?", chuyên gia Hồ Quốc Tuấn nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, ngoài thuế đối ứng cũng còn nhiều loại thuế khác ông Trump đang áp lên các nước vậy mức độ sẽ ra sao và ảnh hưởng như thế nào đến các ngành xuất khẩu của Việt Nam cũng là vấn đề cần tiếp tục theo dõi.
Về ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước, ông Tuấn phân tích, phía đối tác Mỹ niêm yết đã phản ứng qua giá cổ phiếu, đánh giá là thoả thuận này tích cực. Tuy nhiên, nhóm ngành nào đang chịu thuế xung quanh hoặc gần mức 20% thì sẽ được lợi còn nhóm nào đang rất thấp mà lên 20% là mệt, có một số ngành.
Về việc mức thuế đối ứng này có ảnh hưởng hoạt động đầu tư FDI vào Việt Nam hay không thì theo chuyên gia cần phải xem các quốc gia đối thủ sẽ bị áp mức thuế nào và câu chuyện đầu tư FDI không chỉ là thuế quan, còn nhiều thứ nữa.
Mặc dù vậy, chuyên gia Hồ Quốc Tuấn cũng cảnh báo, nếu VND yếu đi và làm triệt tiêu bớt tác động thuế quan thì sẽ rất rủi ro bởi nguy cơ bị gắc mác thao túng tiền tệ. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí để giảm thiểu tác động tiêu cực từ thuế quan.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, Trưởng khpa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng 20% là con số không quá tệ. Đặc biệt là nếu Mỹ áp các mức thuế quan khác nhau theo tỷ lệ nội địa hoá thì sẽ thúc đẩy công nghiệp phụ trợ và nguồn nguyên, nhiên vật liệu của Việt Nam.
DN chủ động giảm chi phí để ứng phó tác động thuế quan
Chia sẻ về những chuẩn bị để ứng phó với tác động từ thuế đối ứng, bà Lê Hằng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, rường hợp thuế đối ứng cao hơn 10% thì ngành thủy sản sẽ rất khó khăn khi “thuế chồng thuế” bởi ngoài thuế đối ứng, ngành tôm còn chịu thuế chống bán phá giá.
Với ngành dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết Mỹ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu dệt may nên rất khó để thay thế.
Vì vậy, để hạ giá thành trong trường hợp thuế đối ứng vẫn ở mức cao, doanh nghiệp tập trung vào tăng năng suất lao động thông qua đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao và đầu tư vào thiết bị hiện đại.
Đặc biệt, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực đa dạng thêm là nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, trong đó mua những vải có xuất xứ nguồn gốc bông từ Mỹ. "Khi chứng minh được sản phẩm làm từ vải nguồn gốc từ Mỹ thì là điểm cộng trong việc giảm mức thuế nhập khẩu vào nếu thuế đối ứng tăng trong thời gian tới", ông Việt dự báo.