Theo đó, mã chứng khoán CFV (niêm yết tại sàn UPCoM) của Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi hiện có biến động rất mạnh trong diễn biến chung của tình hình thị trường không có quá nhiều cơn địa chấn.
Cách đây khoảng 1,5 tháng, vào ngày 1/8, CFV rơi xuống đáy chỉ còn 5.800 đồng. Liên tục sau đó đến nay, mã chứng khoán của Cà phê Thắng Lợi liên tục lập hết đỉnh này đến đỉnh khác. Cũng trong 1,5 tháng này, CFV đã có 20 phiên tăng trần liên tục - một kỷ lục hiếm thấy trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, trong suốt quãng thời gian 1,5 tháng, Cà phê Thắng Lợi không có bất kỳ phiên nào giảm điểm. Đồng nghĩa mã này chỉ có tăng và tăng. Riêng suốt tuần giao dịch gần nhất, các ngày 12-16/9, CFV đã có tổng cộng 5 phiên trần.
Như vậy, chỉ tính tuần vừa qua, cứ trong mỗi phiên mã này lại tăng thêm xấp xỉ 15% giá trị. Chỉ hai hôm 13 và 15/9 tăng 14,91%. Các phiên còn lại đều tăng trên 14,95%. Thậm chí, phiên cuối cùng của tuần, CFV tăng lên đến 14,99%. Qua đó, cứ qua mỗi phiên trong tuần, mã này đã có thêm ít nhất 6.800-11.900 đồng thị giá.
Mã này trước đó có độ ổn định cao, đến mức có thể xem như "mồ côi" biến động - thị giá giữ nguyên rất lâu. Suốt từ khoảng cuối tháng 9/2021 đến độ cuối tháng 6 năm nay, CFV có thị giá đi ngang 21.300 đồng. Đồ thị không có bất kỳ gợn sóng nào. Diễn biến bất thường của mã này bắt đầu từ sau phiên giao dịch ngày 27/6. Cà phê Thắng Lợi giảm liên tục từ vùng giá ổn định xuống thị giá 5.800 đồng như đã đề cập. Tức là chỉ khoảng một tháng, mã này đã mất gần 4 lần thị giá.
Diễn biến tăng trần này trái ngược với tình hình kinh doanh ảm đạm của doanh nghiệp. Theo báo cáo bán niên, CFV đạt gần 222 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Dẫu vậy, giá vốn đã tăng 10%, lên 218 tỷ đồng. Điều này làm cho lãi gộp bán niên giảm hơn 65%, còn hơn 4 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính cũng giảm gần 19% (còn gần hai tỷ đồng), trong khi chi phí tài chính tăng lên 1.6 tỷ đồng. Con số này lại tăng 34% so với cùng kỳ. Tổng kết 6 tháng, Cà phê Thắng Lợi lỗ gần 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lại lãi gần 2,5 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6, CFV lỗ lũy kế gần 4 tỷ đồng.
CFV có văn bản giải trình
Chính sự bất thường này, hôm 13/9, CFV đã có văn bản giải trình gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Theo doanh nghiệp, dù giá tăng trần liên tục nhưng khối lượng khớp lệnh qua các phiên giao dịch rất thấp, hầu hết từ 100-300 cổ phiếu/phiên.
Doanh nghiệp này đã giải trình nhiều lần theo đúng quy định với mỗi 5 phiên cổ phiếu tăng trần. Trong các văn bản giải trình, CFV cho biết công ty, ban lãnh đạo và những người liên quan đều không có tác động nào để đẩy giá cổ phiếu lên cao, cũng không thực hiện giao dịch liên quan đến cổ phiếu công ty trên thị trường chứng khoán.
CFV nhận định việc cổ phiếu liên tục tăng trần với khối lượng giao dịch thấp như vậy là điều bất thường (tất cả các phiên tăng trần đều chỉ có 1 lệnh mua và bán giá trần trong phiên).
"Công ty nghi ngờ một số cá nhân lợi dụng lỗ hổng của thị trường chứng khoán để tác động đến giá cổ phiếu vì động cơ cá nhân", văn bản của phía CFV có đoạn.
Văn bản này nêu thêm: "Để đảm bảo giá trị cổ phiếu về đúng giá trị thực, minh bạch thông tin trên thị trường, Công ty đề nghị UBCKNN và HNX tiến hành kiểm tra các cá nhân thực hiện giao dịch dẫn tới việc biến động tăng trần bất thường của CFV".
Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi, tiền thân là Nông trường Cà phê Thắng Lợi, được thành lập vào tháng 3/1977, với hoạt động kinh doanh chính là trồng, chế biến và xuất khẩu cà phê. Ngày 22/04/2016, công ty được cổ phần hóa theo quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Ngày 3/6/2019, cổ phiếu của công ty chính thức được giao dịch trên thị trường UPCoM, với vốn điều lệ ban đầu hơn 62 tỷ đồng. Tính đến nay, vốn điều lệ công ty đã tăng lên hơn 126 tỷ đồng, với hai cổ đông lớn là Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk (nắm giữ 36% cổ phần, tương đương hơn 4,5 triệu cổ phiếu ) và bà Phạm Thị Linh, vợ ông Đỗ Hoàng Phúc - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của CFV, theo báo cáo quản trị bán niên 2022.