Nghệ sĩ xăm Kalinga Apo Whang-Od đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 105 của mình vào tháng 2 năm nay. Đó quả là một con số ấn tượng cho tuổi thọ của một người, nhưng cụ bà này không nổi tiếng vì số tuổi của mình, bà được biết đến là nghệ nhân xăm hình truyền thống hay còn gọi là "mambabatok", lâu đời nhất tại Philippines.
Cụ bà 105 tuổi đã gắn bó với nghề xăm truyền thống gần 1 thế kỷ.
Philippines có đầy những điều kỳ diệu và một trong những loại hình nghệ thuật hấp dẫn nhất của đất nước này là mambabatok.
Chủ yếu được biết đến như một bộ tộc chiến binh, người Kalinga trong suốt lịch sử đã chiến đấu và bảo vệ cộng đồng của họ. Để ăn mừng chiến thắng, họ đã đánh dấu những dấu ấn đặc biệt trên cơ thể theo các hoa văn khác nhau. Và vì thế, hình xăm trở thành biểu tượng của sự dũng cảm. Đối với đàn ông, đó là dấu hiệu của bản lĩnh; đối với phụ nữ, nó là biểu tượng của sắc đẹp và sức mạnh.
Với đôi bàn tay mang sự khéo léo của một truyền thống từ thời xa xưa, bà là đại diện tiêu biểu cho tục xăm hình của bộ tộc Kalinga, Philippines.
Whang-Od bắt đầu học xăm mình từ năm 15 tuổi sau khi được cha là một chuyên gia trong lĩnh vực này đào tạo. Chỉ những người đàn ông có tổ tiên xăm mình mới được phép học nghề đặc biệt này trong nền văn hóa Kalinga. Whang-Od là một ngoại lệ, tiềm năng của bà được người bố sớm nhận ra và quyết định truyền nghề lại cho con gái.
Thời trẻ, Whang-Od có một người bạn trai. Họ yêu nhau say đắm nhưng giông tố ập đến khi người này chết trong một cuộc chiến. Sau cái chết của người thương, bà không tìm chỗ dựa ở người đàn ông khác mà thay vào đó dành phần còn lại của cuộc đời mình cho nghệ thuật truyền thống của bộ tộc.
Dụng cụ gõ mực mà bà sử dụng được làm từ tre, nứa, còn kim là gai của cây chanh. Than và bồ hóng được trộn để tạo thành mực, sau đó được in lên cơ thể bằng cách đâm xuyên qua da.
Quá trình xăm hình kéo dài, đau đớn và có nguy cơ nhiễm trùng. Trong cộng đồng Kalinga, xăm mình là một công việc kinh doanh nghiêm túc và đòi hỏi kỹ năng cao.
Xăm mình đã trở thành một ngành thu hút khách du lịch mạnh mẽ, cả Whang-Od và những người học việc của bà đều trở thành những người kiếm tiền chính cho ngôi làng của họ. Nghệ thuật của họ đã giúp tạo ra nguồn vốn rất cần thiết cho dân địa phương, những người hiện phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch.
Một số người thậm chí còn khẳng định Whang-Od đã ghi dấu Kalinga trên bản đồ những điểm đến không thể bỏ qua ở Philippines cho cả người dân địa phương và người nước ngoài. Nhiều người đã mạo hiểm trong thời tiết lạnh giá và 10 giờ lái xe lên vùng cao chỉ đơn giản là để được bà xăm hình.
Chia sẻ về bí quyết để có cuộc sống khỏe mạnh và tuổi thọ ấn tượng, bà cho biết: "Tôi không ăn đồ hộp, đồ ăn có dầu, đồ ăn có chất bảo quản. Tôi chỉ ăn thực phẩm hữu cơ như rau lá và đậu".