Có phải đau thì mới là mắc bệnh ung thư?
Thống kê cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. WHO đã xếp Việt Nam vào 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư thế giới. Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm, tỉ lệ chữa khỏi càng cao, tiết kiệm về chi phí; ngược lại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì luôn để lại gánh nặng lớn về kinh phí và hiệu quả điều trị cũng giảm đáng kể.
Ai cũng sợ ung thư nhưng lại thường khá chủ quan trước các dấu hiệu ban đầu của bệnh. Phải đến khi ung thư gây đau mới vội vã đi khám, lúc này bệnh đã phát triển đến giai đoạn giữa và cuối.
"Lúc nào đau mới đi khám ung thư" - đó là sai lầm của hàng triệu người, để lại hậu quả bằng việc rút ngắn thời gian được sống, đồng thời giảm tỉ lệ khả năng chữa bệnh thành công.
Trước hiểu lầm "Phải đau mới đi khám ung thư", ThS. BS Nội trú Nguyễn Xuân Tuấn, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt đã có lời giải đáp như sau:
Đa phần mọi người vẫn có hiểu lầm rằng cứ ung thư là sẽ gây ra triệu chứng đau; hoặc là khi mà có triệu chứng đau thì lúc ấy mới lo lắng xem có phải ung thư hay không, rồi mới loay hoay đi tìm chỗ khám bệnh. Nhưng thực tế ung thư là căn bệnh không đến đột ngột, trước khi gây đau tế bào ác tính đã âm thầm phát triển, tăng sinh.
ThS. BS Nội trú Nguyễn Xuân Tuấn.
Ở giai đoạn sớm, khối u sẽ không có bất cứ triệu chứng nào. Giai đoạn muộn, khi khối u đã bắt đầu xâm lấn hay chèn ép hoặc di căn đến các tổ chức xa hơn thì lúc đấy mới gây ra triệu chứng đau. Như vậy có thể thấy rằng, việc chờ đau mới đi khám sẽ khiến chúng ta không thể phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, đánh mất thời gian vàng chữa bệnh.
ThS. BS Nội trú Nguyễn Xuân Tuấn khuyến cáo, mọi người nên thăm khám một cách định kỳ, tầm soát ung thư để phát hiện khối u ở giai đoạn càng sớm càng tốt thay vì chờ triệu chứng đau mới đi khám.
Tại sao bệnh ung thư giai đoạn muộn lại gây ra đau đớn?
Đau là một phản ứng tự bảo vệ của cơ thể, đồng thời nó cũng là một tín hiệu mà sức khỏe gửi đến cho não. Cảm giác đau bất thường là dấu hiệu của bệnh tim, bệnh tiểu đường và thậm chí là bệnh ung thư.
Nếu như cơn đau ngày càng nghiêm trọng, hay tái phát và kéo dài thì bạn nên đến bệnh viện khám để kịp thời tìm ra nguyên nhân. Đau do ung thư xảy ra do nhiều nguyên nhân, ví dụ như khối u phát triển nhanh chóng, chèn ép các cơ quan và mô xung quanh; cũng có thể do khối u tự vỡ, bị nhiễm trùng và hoại tử mô xung quanh; di căn, xâm lấn và phá hủy các mạch máu và dây thần kinh.
Đau đớn vì ung thư giai đoạn muộn là cảm giác đau đến mức không thể chịu đựng nổi, đau đến mức muốn ngất đi.
Những cơn đau do ung thư gây ra thường rất dữ dội và lan rộng, không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn là sự dày vò tâm lý vô cùng lớn. Sự lo lắng, sợ hãi do cơn đau ung thư mang lại có thể dẫn đến mất ngủ, mệt mỏi, càng làm cơn đau thêm trầm trọng, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh.
Những triệu chứng không đau cảnh báo là dấu hiệu ung thư
1. Giảm cân không giải thích được
Khi bạn giảm cân không có lý do thì nó có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư.
2. Mệt mỏi
Tế bào ung thư sử dụng chất dinh dưỡng của cơ thể bạn để phát triển và tăng sinh. Quá trình "ăn cắp dinh dưỡng này" khiến cơ thể đuối sức, mệt mỏi.
3. Sốt
Sốt thực chất là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể, nhưng sốt thông thường sẽ dễ hạ sau khi uống thuốc. Khi đang có tế bào ung thư trong cơ thể, người bệnh thường sốt nhẹ kéo dài hàng tháng, uống thuốc hạ sốt cũng không có tác dụng. Lúc này nên chú ý và đến bệnh viện để kiểm tra toàn diện, có khả năng là bệnh hệ thống máu do ung thư máu hoặc ung thư hạch.
4. Thay đổi da
Da của chúng ta là cơ quan lớn nhất của cơ thể và có thể là tấm gương phản chiếu sức khỏe. Vàng da (vàng mắt) là một triệu chứng có thể gợi ý bạn đang bị nhiễm trùng hoặc ung thư.
5. Những thay đổi ở ngực
Ngực xuất hiện khối u, bị lõm, đổi màu, những thay đổi xung quanh núm vú hoặc tiết dịch bất thường mà trước đây bạn không có.... tất cả đều là dấu hiệu khả nghi của bệnh ung thư vú.
6. Khó nuốt
Nếu bạn cảm thấy như thể thức ăn mắc kẹt trong cổ họng hoặc bạn khó nuốt trong hơn hai tuần, đây có thể là dấu hiệu của ung thư cổ họng, phổi hoặc dạ dày.
7. Vết bầm tím quá mức
Một vết bầm trên ống chân do va chạm vào bàn là bình thường. Nhưng đột nhiên bạn xuất hiện nhiều vết bầm tím ở những vị trí bất thường mà không hề bị va đập có thể là dấu hiệu của căn bệnh ung thư máu.
8. Chảy máu "vùng kín" sau mãn kinh
Nếu bị chảy máu "vùng kín" dù đã mãn kinh thì bạn nên đi kiểm tra sức khỏe tử cung và tầm soát ung thư.
9. Xuất hiện một khối u không đau trên da
Các khối u lành tính thường gây đau, nhưng các khối u ác tính thường không đau, đặc biệt là xuất hiện ở cổ, nách, bẹn.