Trong cuộc sống gia đình, cha mẹ - con cái dù yêu thương nhau đến mấy cũng khó tránh khỏi những lúc mâu thuẫn, bất đồng ý kiến dẫn đến cãi vã. Mâu thuẫn có thể bắt nguồn từ đủ chuyện, từ việc học tập, đến việc vui chơi giải trí, tình cảm tuổi teen,... Cha mẹ thì lúc nào cũng muốn con nghe theo lời khuyên của mình, tuy nhiên con cái càng lớn sẽ càng có ý kiến, quan điểm riêng nên sẽ "khó bảo" hơn. Khi một bên muốn kiểm soát và một bên muốn chống cự, xung đột tất nảy sinh.
Cách phản ứng của trẻ trong các cuộc xung đột với cha mẹ thường chia làm các kiểu: Kiểu thứ 1, bộc lộ thái độ gay gắt, trừng mắt, giậm chân, thể hiện rõ sự phản đối. Kiểu thứ 2, lơ mọi lời nói của cha mẹ, thể hiện sự mất niềm tin, khiến giao tiếp cha mẹ - con cái đi vào ngõ cụt. Kiểu thứ 3, giả vờ nghe lời rồi âm thầm chống đối.
Thực chất, cãi vã cũng không hẳn là chuyện xấu. Điều mà ai cũng sợ không phải là một trận cãi vã, mà là một trận cãi vã theo chiều hứng tiêu cực. Một phụ huynh cho rằng, cãi vã là gia vị của cuộc sống, là sự va chạm về tư tưởng giữa cha mẹ và con cái. Qua xung đột, cha mẹ biết mình nghĩ gì, và con cái cũng biết cha mẹ nghĩ gì.
Những xung đột, cãi vã đóng vai trò là cầu nối giữa con cái và cha mẹ, cho phép mỗi người chạm đến trái tim đối phương, biết được suy nghĩ và hiểu rõ cảm xúc của đối phương. Những cuộc cãi vã vui vẻ cũng là thời gian trưởng thành của trẻ.
Đại học Virginia từng thực hiện một nghiên cứu, trong đó 150 trẻ em 13 tuổi được yêu cầu mô tả những xung đột giữa chúng và cha mẹ. Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ thường xuyên cãi vã với cha mẹ ở nhà nhưng giữ bình tĩnh thì có khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn.
Một tiến sĩ tâm lý học cho biết: Tranh chấp, cãi vã có thể giúp trẻ trở nên tự tin và độc lập. Khi đối đầu, các em cảm thấy mình được coi trọng và biết cách thực hiện ý muốn của bản thân.
Vậy làm sao để khiến cho một cuộc cãi vã giữa cha mẹ - con cái từ tiêu cực chuyển sang tích cực? Hãy nhớ rõ 3 bước sau:
1. Kiểm soát cảm xúc
Nhiều cuộc cãi vã bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt rồi ngày càng trở nên bạo lực hơn. Những cuộc cãi vã tích cực phải dựa trên cảm xúc hòa bình. Vì vậy, khi cảm xúc khó kiểm soát, chúng ta có thể "nhấn nút" tạm dừng kịp thời để chuyển hướng sự chú ý và làm việc khác.
2. Thảo luận khi có các vấn đề phát sinh
Hãy nhớ rằng, việc chúng ta cãi nhau chỉ là vấn đề, mục đích của việc cãi vã cũng là để con cái hiểu đúng sai, sửa chữa hành vi và tìm cách giải quyết. Vì vậy, đừng xen lẫn những cảm xúc khác vào cuộc cãi vã, chứ đừng nói đến việc gán mác cho trẻ, thậm chí tiến hành công kích cá nhân.
3. Sửa chữa sau đó
Sau mỗi lần cãi nhau, hãy nhớ nói với con: Cãi nhau là chuyện bình thường, nhưng việc chúng ta cãi nhau chỉ là vấn đề ngay lúc này thôi, dù thế nào đi chăng nữa, cha mẹ vẫn yêu con.
Trên đời không có gia đình nào mà không cãi vã, không có mối quan hệ cha mẹ con cái nào mà chưa từng cãi vã. Tranh cãi không phải là điều xấu, cũng không có nghĩa chúng ta là những bậc cha mẹ thất bại.
Cãi vã là một kiểu giải tỏa cảm xúc của cha mẹ và là sự trưởng thành của con cái.
Thay vì mù quáng trốn tránh những cuộc cãi vã và kìm nén cảm xúc, tốt hơn hết cha mẹ nên bày tỏ suy nghĩ của mình và chủ động đối mặt với những cuộc cãi vã với con cái. Thông qua những cảm xúc chân thực, cha mẹ cùng con chữa lành và xây dựng tổ ấm gia đình. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy trân trọng khi còn bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình khi tranh cãi, vì điều đó có nghĩa là chúng đã thực sự trưởng thành.