Đó là một buổi tối năm 2015, bà Lã Thiên Mai đang ngồi trên sofa xem TV, trong một khu chung cư cũ ở Giang Tô. Sau vài phút choáng váng vì số tiền lớn, bà nhấc điện thoại gọi cho con trai nuôi Lưu Viễn Nghị đang sống và làm việc ở châu Âu.
Viễn Nghị thông báo đang bận dự án nên không về dự đám cưới em gái được, số tiền này là quà cưới cho em và cho mẹ trả nợ, dưỡng già. "Không có mẹ và em đã không có con như bây giờ. Khoản tiền này không bao giờ có thể trả ơn được những gì mẹ làm cho con", cậu nói.
Sau cuộc điện thoại, ký ức của bà Lã Thiên Mai dội về ngày đầu gặp cậu con trai nuôi.
Một buổi tối tháng 9/2000, Thiên Mai tan làm trở về trời bỗng đổ mưa to nên vội tấp vào một gara trú tạm. Bà nhìn thấy một cậu bé gầy gò, ngồi trên giường có một chiếc chăn bông cũ nát, xung quanh có một chiếc bàn học, sách và cặp.
Thấy người lạ, cậu bé lén nhìn, rồi co người lại sợ hãi. Tiếng bụng sôi vì đói phát ra trong không gian tĩnh mịch. Thiên Mai vội vàng lấy ra túi bánh bao còn nóng đưa cho cậu bé, nhưng em chỉ liếc nhìn. Bà vẫn giữ nguyên tư thế giơ bánh để em có thời gian phản ứng. Cậu bé từ từ ngẩng đầu và tiến đến gần bà nhận túi đồ ăn.
Khi đã ấm bụng, em cho biết mình tên Lưu Viễn Nghị, 14 tuổi, người ở tỉnh Chiết Giang. Cha mẹ mất vì tai nạn giao thông vài năm trước nên Nghị phải nương nhờ người chú. Chú rất thương nhưng không bảo vệ được em trước sự thù ghét ra mặt của vợ mình nên khi lên cấp hai Nghị được chú thuê cho gara này ở. Hàng ngày cậu bé đi học, nhặt đồng nát và làm các công việc chân tay tự kiếm sống.
Lắng nghe câu chuyện của cậu bé, Thiên Mai nhận ra cuộc đời vô thường đến mức nào. Cũng giống như cậu bé, không lâu trước bà cũng đang có một tổ ấm ba người hạnh phúc và công ty đá quý do mình sáng lập. Nhưng trong thời gian bà bận bịu chăm sóc con nhỏ, người chồng nảy sinh quan hệ ngoài luồng với một đối tác của công ty. Cô chỉ biết bị phản bội khi chồng viết đơn ly hôn.
Không lâu sau, công ty phá sản, người chồng không chịu nổi cú sốc bị nhân tình lừa dối nên tự tử. Đau đớn nhưng Mai phải gượng dậy lo liệu bán nhà và xe để trả nợ, dù vậy số nợ vẫn còn đến hai triệu tệ. Bà thuê một căn hộ cũ, sống cùng con gái, làm nghề kế toán và may thêm quần áo bán, dành dụm từng đồng trả nợ. Cuộc sống áp lực, nhiều lúc người phụ nữ muốn tìm cái chết nhưng không đành lòng để lại con.
Mưa tạnh, bà Mai để lại một ít đồ ăn rồi quay về nhà. Ngày hôm sau, bà mang đến đồ ăn cho cậu bé. Ban đầu Viễn Nghị không chịu nhận, nhưng bà cứ đặt đó rồi rời đi. Bà cũng để dồn các chai lọ, giấy báo lại, thi thoảng mang đến cho Nghị bán đồng nát.
Trong dịp Tết Nguyên đán năm đó, cậu bé đã từ chối lời mời của bà Mai để về nhà chú thím. Tuy nhiên, trước sức ép của vợ, người chú không dám để cậu ở lại ăn Tết, chỉ lén đưa cho một tiền tiêu vặt.
Buổi tối cuối năm, nhà nhà sáng đèn, Viễn Nghị một mình lang thang trên đường, trong lòng khát khao hơi ấm đã đưa đôi chân cậu tới trước nhà Thiên Mai lúc nào không hay. Bà Mai và con gái Chu Tịnh vui vẻ chạy ra chào đón. Nhà ba người vừa làm bánh bao vừa xem ca nhạc tạp kỹ mừng xuân. Viễn Nghị cảm nhận được hương vị gia đình từ lâu thiếu vắng, những giọt nước mắt trào ra nơi khóe mắt.
Mối quan hệ của họ cứ duy trì ngày càng tốt đẹp. Đến gần cuối kỳ hai lớp 9, Nghị nhờ bà Mai đóng giả đi họp phụ huynh cho mình. Lúc này bà mừng thầm vì cậu đã coi mình như người nhà. Đến trường bà ngạc nhiên vì Viễn Nghị luôn có thành tích thuộc top đầu, giáo viên cho biết với khả năng này vào một trường đại học top đầu không phải là vấn đề. Tuy nhiên tiếng Anh của Nghị cần phải cải thiện thêm. Vì từng học chuyên ngành tiếng Anh ở trường đại học những năm 1980, từ đó bà Mai đã dạy kèm cho Nghị.
Trong thời gian này bà cũng quyết định làm thủ tục nhận nuôi để cậu thiếu niên có điều kiện tập trung ôn luyện cho kỳ thi đại học. Năm 18 tuổi, người con nuôi thi đậu vào Đại học Chiết Giang với kết quả xuất sắc và vài năm sau được trao học bổng tại Đại học Cambridge ở Anh.
Khi nhận được cơ hội này, Viễn Nghị liền từ chối bởi biết mẹ nuôi vẫn đang trả nợ. Biết được sự việc, bà Mai đã bán tất cả những thứ có giá trị trong nhà, bao gồm cả trang sức cưới của mình, thu về 55.000 tệ cho con có chi phí sinh hoạt ban đầu. Cầm số tiền, người con ngồi phịch xuống, quỳ trước mặt Lã Thiên Mai: "Mẹ ơi, lòng tốt của mẹ con trai không bao giờ quên".
Để hỗ trợ cho con chi phí sinh hoạt ở châu Âu đắt đỏ, bà Mai làm việc chăm chỉ hơn nữa, nhiều lần gục xuống bàn máy may vì cơn buồn ngủ. Không muốn làm con lo lắng, bà chưa bao giờ nói ra những điều này.
Người xung quanh thường xuyên nhắc nhở, cho rằng bà nhận nuôi một đứa trẻ không họ hàng, nuôi ăn học nhỡ không có tương lai và không quay trở lại thì sao? Nhưng bà Mai chưa bao giờ bận tâm chuyện đó. "Viễn Nghị là đứa trẻ ngoan và giỏi. Không có tôi cũng có sẽ có người khác giúp đỡ con", bà đáp.
Năm 2010, Viễn Nghị tốt nghiệp, lập tức được nhận vào làm việc tại một công ty trong Fortune 500 (top 500 công ty lớn nhất thế giới). Vài năm sau đó anh cùng vài người bạn mở công ty.
Khi biết tin em gái ở Trung Quốc sắp kết hôn, anh vui mừng đề nghị mua nhà và cho em của hồi môn, nhưng bị mẹ từ chối. Trước ngày cưới của em, Nghị chuyển cho mẹ số tiền 1,6 triệu bảng.
Anh nói với mẹ rằng công ty của mình đã lên sàn chứng khoán, cậu không còn là đứa trẻ nghèo mà đã thành triệu phú. Thấy con có đang có tương lai đầy hứa hẹn, bà Mai cũng không từ chối số tiền nữa. Bà dùng một phần trả nợ, một phần làm của hồi môn cho con gái, số còn lại lập ra một quỹ để giúp đỡ nhiều hơn những đứa trẻ nghèo khó, mồ côi. Khi biết việc làm của mẹ, Nghị hoàn toàn ủng hộ và nói rằng tự nay cậu sẽ chịu trách nhiệm về bất kỳ vấn đề nào với quỹ từ thiện trong tương lai.
Các năm qua, người con nuôi này vẫn thường đón mẹ sang châu Âu chơi và khi có thời gian, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, anh luôn cố gắng về với mẹ.
(Theo 163)