Doanh nghiệp

Lãnh đạo FPT: Doanh thu ký mới mảng công nghệ sẽ tăng tốc nửa cuối năm

Trong cuộc họp nhà đầu tư chiều 6/8, Chứng khoán Vietcap (VCSC) thông tin ban lãnh đạo CTCP FPT (Mã: FPT) đã có những chia sẻ về triển vọng kinh doanh giai đoạn 2024-2025 và ban lãnh đạo vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng đối với tất cả các mảng kinh doanh.

Ở mảng công nghệ, ban lãnh đạo tập đoàn kỳ vọng doanh thu đã ký sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 nhờ nhu cầu ổn định, đặc biệt là nhu cầu chuyển đổi số (DX) trên tất cả các thị trường trọng điểm.

Trong nửa đầu năm 2024, FPT đã giành được 27 hợp đồng lớn (các hợp đồng có giá trị trên 5 triệu USD), trong đó công ty đã ghi nhận 1 hợp đồng trị giá trên 100 triệu USD (thời hạn 2 hoặc 3 năm) trong việc cung cấp dịch vụ DX cho 1 khách hàng Singapore trong ngành hàng không.

Ngoài ra, công ty đang gia tăng thị phần trên các thị trường toàn cầu và FPT tin rằng tập đoàn sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024 vì nhu cầu AI vẫn khá mạnh bất chấp những bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Công ty cũng cho biết sự kết hợp giữa các thương vụ thâu tóm gần đây có tiến triển khả quan, ví dụ như thương vụ mua lại công ty Nhật Bản NAC đã nâng cao lực lượng bán hàng và năng lực tư vấn của FPT trong lĩnh vực marketing và CRM.

Đối với những lo ngại về biến động của đồng yen Nhật, công ty nhận thấy tác động không đáng kể từ việc đồng yen tăng giá đến lợi nhuận ròng của công ty trong năm 2024, vì chi phí và vốn lưu động của FPT được vay bằng đồng yen với lãi suất cố định như một biện pháp phòng vệ rủi ro cho doanh thu.

Trong trường hợp tỷ giá JPY/VND tăng 10%, biên lợi nhuận ròng sẽ tăng khoảng 50 điểm cơ bản, theo ban lãnh đạo.

Tính tới cuối quý II, tổng dư nợ vay của FPT là 16.502 tỷ đồng, chiếm 1/4 nguồn vốn, chủ yếu là vay ngắn hạn. Trong đó, FPT vay 12.046 tỷ đồng bằng đồng VND, vay 3.127 tỷ đồng bằng USD, vay 1.316 tỷ bằng đồng yen Nhật.

Theo thuyết minh, FPT cho biết tập đoàn có nguồn thu ngoại tệ từ các hợp đồng cung cấp dịch vụ bằng USD, yen Nhật để chi trả cho các khoản vay.

Nguồn: Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý II.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các quý.

Có kế hoạch mở rộng dịch vụ cho thuê GPU sang Nhật

FPT có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ cho thuê GPU (GPUaaS) sang Nhật Bản, dự kiến doanh thu đạt 100 triệu USD vào năm 2027 và ghi nhận biên lợi nhuận trước thuế đạt hơn 20% cho phân khúc này.

Tóm tắt lại, FPT Cloud và Nvidia đã ký Biên bản ghi nhớ trị giá 200 triệu USD vào ngày 23/4/2024 để thành lập 1 nhà máy AI tại Việt Nam và FPT được cấp quyền truy cập vào chipset H100 tiên tiến của Nvidia, bộ ứng dụng AI Enterprise và nền tảng đám mây GeForce NOW.

Công ty sẽ cung cấp các giải pháp/dịch vụ AI toàn diện về phần mềm, phần cứng, điện toán đám mây và AI tạo sinh cho các doanh nghiệp trong nhiều ngành khác nhau.

Theo ban lãnh đạo, nhu cầu về GPUaaS tại Việt Nam rất lớn và khách hàng của FPT chủ yếu đến từ các lĩnh vực công nghệ và tài chính.

FPT dự kiến doanh thu từ GPUaaS đạt 100 triệu USD vào năm 2027, IRR đạt 20-25% trong 3-5 năm đầu tư và vận hành, biên lãi trước thuế đạt 20-30% và hiệu suất hoạt động đạt 80% vào năm 2025.

FPT cũng có kế hoạch thành lập nhà máy AI/cung cấp GPUaaS tại Nhật Bản vì công ty tin rằng nhu cầu về AI rất mạnh và chưa được khai thác trong khu vực, trong khi khách hàng ở APAC đang phải đối mặt với các yêu cầu về quyền riêng tư dữ liệu của chính quyền địa phương để có thể truy cập vào GPUaaS của FPT tại Việt Nam.

Công ty vẫn đang thảo luận với các đối tác tại Nhật Bản, có khả năng thuê trung tâm dữ liệu tại địa phương để triển khai dịch vụ này và vẫn chưa cam kết bất kỳ khoản đầu tư vốn xây dựng cơ bản nào.

Mảng viễn thông kỳ vọng ở trung tâm dữ liệu

Ở mảng viễn thông, ban lãnh đạo kỳ vọng phân khúc trung tâm dữ liệu sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hai chữ số trong triển vọng trung hạn.

Trong nửa đầu năm 2024, FPT ghi nhận doanh thu ngoài băng thông rộng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước do phân khúc truyền hình trả tiền chững lại vì tình hình kinh tế vĩ mô tại Việt Nam vẫn còn bất ổn.

Đối với phân khúc trung tâm dữ liệu, giai đoạn I của trung tâm dữ liệu siêu quy mô tại quận 9, TP HCM dự kiến được triển khai trong quý III/2024, trong khi giai đoạn II và III sẽ hoàn thành xây dựng trong năm 2025.

Công ty đang trong giai đoạn đầu để xin quyền sử dụng đất cho kế hoạch trung tâm dữ liệu siêu quy mô tại Hà Nội trong tương lai. Theo ban lãnh đạo, doanh thu hàng năm của các trung tâm dữ liệu hiện hữu tăng trưởng mạnh khoảng 25% so với cùng kỳ mỗi năm.

Ở mảng giáo dục, lãnh đạo tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng cao và cam kết đẩy mạnh mở rộng mạng lưới K12.

Trong nửa đầu năm 2024, doanh thu của mảng giáo dục đã tăng trưởng 24% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu giáo dục tư thục tăng mạnh.

Công ty cũng đã hoàn thành dự án Tổ hợp giáo dục FPT tại Thanh Hóa, và lấy được giấy phép đầu tư để xây dựng một tổ hợp giáo dục tại Thừa Thiên Huế.

FPT cũng đang đưa chương trình đào tạo AI vào chương trình giáo dục của công ty với dự kiến 5.000 sinh viên đại học tham gia chương trình này.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm