Con số trên được nền tảng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Qichacha công bố ngày 6/8. Trong đó, hơn 1,48 triệu, tức gần 90%, được thành lập sau năm 2017, khi Quốc vụ viện, cơ quan hành chính của Trung Quốc, đưa ra Kế hoạch Phát triển Trí tuệ nhân tạo Thế hệ mới với mục tiêu đưa đất nước tiên phong toàn cầu trong lĩnh vực này.
Các công ty liên quan đến AI chủ yếu tham gia phát triển chatbot và một số mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) sơ khai. Số đăng ký mới đạt kỷ lục hơn 467.000 vào năm ngoái, sau khi OpenAI phát hành ChatGPT cuối 2022.
Theo SCMP, hiện Trung Quốc có bốn "hổ AI" với khả năng cạnh tranh ở mức toàn cầu là Baichuan, Zhipu AI, Moonshot AI và MiniMax, mỗi công ty đã huy động hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư tiềm năng. Baidu, Alibaba, ByteDance và nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng đang phát triển mô hình AI được đánh giá có chất lượng cao.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt cũng khiến một số rơi rụng. Chẳng hạn năm ngoái, gần 50.000 doanh nghiệp liên quan đến trí tuệ nhân tạo phải ngừng hoạt động, chủ yếu do thiếu kinh phí.
AI là một trong những lĩnh vực được Trung Quốc ưu tiên trong chiến lược tự chủ công nghệ. Kế hoạch Phát triển Trí tuệ nhân tạo Thế hệ mới đặt mục tiêu đạt "trình độ dẫn đầu thế giới" vào 2025 và trở thành "trung tâm đổi mới AI lớn của thế giới" vào 2030, ưu tiên biến AI thành động lực chính cho việc nâng cấp công nghiệp và chuyển đổi kinh tế.
Trước đó, số liệu từ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO công bố tháng 7 cho thấy, trong thập kỷ qua, trên toàn thế giới có hơn 50.000 đơn xin cấp bằng sáng chế về công nghệ AI tạo sinh, như khả năng tạo văn bản, hình ảnh, mã máy tính, âm nhạc. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu với hơn 38.000 hồ sơ về AI tạo sinh giai đoạn từ 2014 đến 2023, gấp sáu lần so với 6.276 phát minh được Mỹ nộp cùng kỳ.